Thành lập Trường ĐH Nghệ An: Lãnh đạo cơ sở GD thực hiện sáp nhập chia sẻ gì?
Hiệu trưởng các nhà trường nhấn mạnh, sau khi sáp nhập chắc chắn sẽ có sự thay đổi nhất định về nhân sự, ngành đào tạo để đáp ứng với yêu cầu hiện tại.
Ngày 26/12/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1653/QĐ-TTg về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.
Trường Đại học Nghệ An được thành lập sau khi thực hiện sáp nhập sẽ là cơ sở giáo dục đại học công lập, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định nói trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có trách nhiệm chỉ đạo Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng nhân sự, tài chính, tài sản, người học của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và tổ chức lại, đổi tên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An theo quy định của pháp luật; quá trình sáp nhập, tổ chức lại và đổi tên phải bảo đảm hoạt động bình thường, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên liên quan, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.
Liên quan đến việc này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số trao đổi với lãnh đạo các cơ sở giáo dục thực hiện việc sáp nhập để tìm hiểu về sự thay đổi của các nhà trường.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho hay, về cơ bản về điều kiện hoạt động giảng dạy, nghiên cứu vẫn theo hiện trạng hiện có của các trường khi chưa sáp nhập. Tuy nhiên cũng sẽ có một số thay đổi trong việc mở thêm mã ngành, mở rộng thêm diện tích trường học so với trước đây. Đặc biệt là có thể có thêm một trường trung học phổ thông nằm trong Trường Đại học Nghệ An.
"Quyết định về việc sáp nhập và đổi tên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An tuy mới được phê duyệt nhưng trước đó đã có đề án liên quan được thông qua từ hồi tháng 10/2023. Vì thế chúng tôi đã có một khoảng thời gian để thực hiện các công việc cần thiết.
Trong đề án đã nêu rõ các vấn đề về cơ cấu tổ chức, tinh giản các đầu mối ra sao để trường có thể hoạt động hiệu quả, đó là may mắn lớn nhất đối với nhà trường trong quá trình thực hiện. Việc tinh giản nhân sự cũng đã được chúng tôi chủ động triển khai từ trước đó chứ không phải đến hôm nay mới bắt đầu thực hiện. Vì thế, khi có quyết định chính thức thì chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thực hiện việc sáp nhập và đổi tên trường một cách thuận lợi nhất", lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho biết thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường chia sẻ, theo đề án sau khi sáp nhập thì cơ sở chính của Trường Đại học Nghệ An sẽ được đặt tại vị trí của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An hiện tại. Tuy nhiên, theo dự tính với quy mô của Trường Đại học Nghệ An thì với diện tích và các phòng học, phòng chức năng như hiện tại là không đủ so với yêu cầu. Qua đó vị này cho biết, đang có một số đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An để xin được mở rộng thêm diện tích.
"Về cơ bản cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ cho hoạt động của nhà trường sau khi sáp nhập không có thay đổi nhiều so với hiện trạng hiện có từ trước đó, tuy nhiên sẽ có thay đổi một chút về cơ năng.
Trong đó, có một số địa điểm trước đây đang bị bỏ không chưa sử dụng đến thì chúng tôi cũng đã có phương án để bố trí làm ký túc xá cho sinh viên người Lào sử dụng. Theo tính toán thì mỗi năm sẽ có khoảng 200 sinh viên người Lào theo học, sử dụng với diện tích đó là vừa đủ.
Ngoài ra, trong đề án cũng có nhắc đến việc sẽ mở thêm một trường trung học phổ thông thuộc Trường Đại học Nghệ An để giảm tải cho các trường trung học phổ thông tại thành phố Vinh. Việc này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý, còn các bước triển khai tiếp theo ra sao thì chúng tôi đang chờ những hướng dẫn, chỉ đạo từ cơ quan chức năng", Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường cho biết thêm.
Đề cập về việc mở thêm ngành để có thể đảm bảo phù hợp với sự phát triển của Trường Đại học Nghệ An theo định hướng trong tương lai, vị Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho hay, sẽ có một số ngành mới thuộc khối ngành Sư phạm được mở, đó là các ngành đào tạo trình độ đại học như: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Mầm non. Ngoài ra, cũng sẽ có một số ngành thuộc khối ngành khác được mở, trong đó có ngành Ngôn ngữ Trung.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng đã lường trước một số khó khăn sau khi thực hiện việc sáp nhập, tuy nhiên với sự định hướng, hỗ trợ từ phía Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cùng với sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên các nhà trường trong thời gian tới chắc chắn mọi việc sẽ sớm đi vào quỹ đạo".
Còn tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, qua trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhà trường cho biết cũng sẽ có một số thay đổi nhất định sau khi thực hiện việc sáp nhập để phù hợp với yêu cầu.
Theo đó, Tiến sĩ Trần Anh Tư - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An nhấn mạnh: "Về cơ bản, nhân lực của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An để có thể đảm nhiệm được công tác đào tạo trình độ đại học với khối ngành Sư phạm vì hầu hết các giảng viên đều có trình độ Thạc sĩ.
Tuy nhiên, tỉ lệ giảng viên của nhà trường có trình độ tiến sĩ để có thể mở các mã ngành mới theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang gặp khó khăn. Về việc này, nhà trường cũng sẽ bố trí để giảng viên đi học để nâng cao trình độ lên tiến sĩ".
Chia sẻ thêm về việc thực hiện tinh giản đầu mối và lực lượng giảng viên trong quá trình sáp nhập trường, lãnh đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cho rằng, việc này đã được nhà trường thực hiện từ trước nên cũng đang rất chủ động. Việc được cho là khó khăn nhất đó là động viên tư tưởng đối với các đối tượng trong diện bị tinh giản. Bởi có nhiều giảng viên ở độ tuổi khó bố trí công việc hoặc gặp khó khăn khi thiếu sự linh hoạt nếu buộc phải chuyển sang công việc khác không đúng lĩnh vực sư phạm.
Bài toán giải quyết trước mắt được vị Hiệu trưởng này chia sẻ: "Theo đề án về việc thực hiện sáp nhập thì trong cơ cấu của Trường Đại học Nghệ An sẽ có Trường Thực hành sư phạm, với lực lượng dôi dư do chưa phải thực hiện các nhiệm vụ đào tạo cao đẳng, đại học hoặc trên đại học thì có thể bố trí cho họ giảng dạy ở Trường Thực hành sư phạm vì họ đủ chuẩn.
Theo tinh thần của Nghị quyết 18, việc tinh giản đã được chúng tôi cũng thực hiện từng bước và trước khi có quyết định chính thức về việc sáp nhập chúng tôi đã thực hiện rồi.
Sau khi hoàn thiện việc sáp nhập và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An có thể sẽ tiếp tục việc tinh giản khi bộ máy mới của nhà trường được hoàn thiện để đảm bảo tinh thần của Nghị quyết 18, góp phần tạo ra hiệu quả hoạt động của Nhà trường".