Thành lập Ủy ban Phát triển Công nghiệp chip bán dẫn Việt Nam

VINASA vừa thành lập Ủy ban Phát triển Công nghiệp Chip Bán dẫn Việt Nam trực thuộc Hiệp hội nhằm tập hợp lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác cùng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam...

Ngày 27-28/1 vừa qua, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Hội nghị chiến lược VINASA 2024 tại Quảng Ninh.

Năm 2023, nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều thách thức lớn, dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ phát triển GDP cao trên 5%.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp ICT đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022 và thấp hơn nhiều tăng trưởng toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy các doanh nghiệp công nghệ số đã phải đối mặt với một năm rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, VINASA đã nỗ lực rất nhiều để không chỉ hoàn thành kế hoạch đặt ra mà còn thúc đẩy các hoạt động tăng cường kết nối, phát triển thị trường hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, nâng cao vị thế của ngành CNTT Việt Nam trên trường quốc tế.

Về hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá phát triển thương hiệu: VINASA đã tổ chức 4 giải thưởng trong năm 2023: Giải thưởng Sao Khuê năm thứ 20, Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ Số, Giải thưởng Smart City Việt Nam và Giải thưởng Sáng tạo tương lai (VietFuture).

Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Về thúc đẩy thị trường chính phủ (B2G), bên cạnh Vietnam - ASIA DX Summit và Smart City Summit thường niên, VINASA đã tổ chức thành công 5 sự kiện, trong đó có 4 sự kiện VINASA đã phối hợp tổ chức, hỗ trợ nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số cho 4 địa phương: Hà Nội, Quảng Ngãi, Huế, Hải Phòng.

Năm 2023, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy thị trường doanh nghiệp và người dùng cuối, VINASA đã lên kế hoạch và tổ chức thành công 3 sự kiện hướng đến thị trường B2B và B2C. Đó là Biztech Vietnam, TalentX (B2B) và Tech4life (B2C).

Về hỗ trợ doanh nghiệp Go Global, VINASA tổ chức 13 đoàn xúc tiến thương mại quốc tế, tới 11 nền kinh tế khác nhau, tham gia các triển lãm, hội nghị, và 02 giải thưởng quốc tế ASOCIO và APICTA. Các chương trình đã hỗ trợ 116 lượt doanh nghiệp tiếp cận và phát triển thị trường quốc gia (Go Global). Về phát triển hội viên: Văn phòng VINASA đã phát triển thêm được 87 hội viên mới, nâng tổng số Hội viên của Hiệp hội tính đến hết năm 2023 là 587 doanh nghiệp.

Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, bên cạnh các hoạt động thường niên, VINASA thống nhất 4 định hướng chiến lược cho hoạt động của Hiệp hội và các doanh nghiệp Hội viên trong thời gian tới.

Thứ nhất, nhận thấy công nghiệp bán dẫn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói chung và Hội viên VINASA nói riêng, đặc biệt là trong các công đoạn thiết kế, kiểm thử, hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế, VINASA quyết định thành lập Ủy ban Phát triển Công nghiệp Chip Bán dẫn Việt Nam trực thuộc Hiệp hội nhằm tập hợp lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác cùng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam thông qua các hoạt động: đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm; kết nối hợp tác; R&D, qua đó hình thành lực lượng doanh nghiệp, chuyên gia tham gia vào hệ sinh thái phát triển chíp, bán dẫn toàn cầu; vận động, kết nối với chính quyền các cấp, tạo ưu đãi cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình sẽ trực tiếp tham gia và chỉ đạo hoạt động của Ủy ban.

Thứ hai, hiện nay chuyển đổi số - chuyển đổi xanh (chuyển đổi số xanh - ESG) đang là xu hướng và chủ đề được quan tâm trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt khi thế giới đang chuyển dịch các chính sách thắt chặt về giảm carbon, hướng tới Net-Zero.

Để thích ứng kịp thời trước làn sóng chuyển đổi ESG, trong năm 2024 VINASA sẽ phối hợp lên kế hoạch cụ thể, định hướng đưa ra các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp cần tiếp cận các tiêu chuẩn, hệ thống, sắp xếp các giải pháp, hợp tác để kết nối thành các Bộ giải pháp giúp chuyển đổi xanh, thúc đẩy chiến lược tăng trưởng kép Xanh và Số, đóng góp vào sự phát triển bền vững.

Thứ ba, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, VINASA định hướng tập hợp các nguồn lực, đặc biệt là về chuyên gia, công nghệ và nguồn vốn để thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo. Nhiệm vụ trong thời gian tới là mang lại giá trị đích thực cho xã hội và con người thông qua đào tạo, kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam, hợp tác giữa doanh nghiệp với các viện, trường, thiết lập chương trình ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Thứ tư, Digital Trust. Là hoạt động đánh giá, chứng nhận uy tín, kinh nghiệm, năng lực của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số.

VINASA định hướng hợp tác với các đơn vị, tổ chức có liên quan nhằm xây dựng và triển khai dịch vụ mới Digital Trust – nhằm giúp người dân, doanh nghiệp, tổ chức tìm kiếm được những địa chỉ cung cấp dịch vụ, giải pháp đáng tin, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh trong thời đại số, góp phần tăng trưởng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Nguyên Đức

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/thanh-lap-uy-ban-phat-trien-cong-nghiep-chip-ban-dan-viet-nam/20240131035836088