Thanh long bị 'đánh bật' ra khỏi 'câu lạc bộ' tỷ USD, rất lâu mới có thể lấy lại được phong độ

Trước đây, thanh long là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD, tuy nhiên, kim ngạch ngày càng giảm mạnh.

Rời xa "câu lạc bộ" tỷ USD

Trước đại dịch COVID-19, thanh long là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây cũng là loại quả hiếm hoi nằm trong “câu lạc bộ” tỷ USD của ngành nông nghiệp.

Vào năm 2017, lần đầu tiên thanh long gia nhập “câu lạc bộ” tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,157 tỷ USD. Các năm tiếp theo, từ 2018 - 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của thanh long không ngừng tăng, lần lượt đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2018, 1,5 tỷ USD vào năm 2019.

 Trước đại dịch COVID-19, thanh long là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Ảnh: DM)

Trước đại dịch COVID-19, thanh long là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Ảnh: DM)

Sang năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất nhập khẩu của thanh long có xu hướng giảm, nhưng vẫn trên tỷ đô. Cụ thể, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu thanh long đạt 1,12 tỷ USD và năm 2021 đạt 1,031 tỷ đô.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu thanh long giảm đột ngột, chỉ đạt 632 triệu USD. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thanh long được dự báo sẽ tiếp tục giảm, và cơ hội trở lại “câu lạc bộ” tỷ USD đang rất gian nan.

Được biết, đến hết tháng 8 năm 2023, giá trị xuất khẩu thanh long mới đạt gần 450 triệu USD giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện 80 - 85% sản lượng thanh long hàng năm phục vụ xuất khẩu, trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thanh long chủ lực, chiếm tỷ trọng trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu thanh long. Trung Quốc giảm nhu cầu khiến việc xuất khẩu thanh long giảm mạnh.

Bên cạnh đó, thanh long Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu chủ lực của thanh long Việt Nam là Trung Quốc đang đẩy mạnh sản lượng, tập trung “tự cung tự cấp” đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam.

Thông tin đăng tải trên Sohu, vài năm trở lại đây, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc tăng gấp 10 lần. Đến năm 2021, diện tích thanh long ở quốc gia này lần đầu đạt gần 67.000 ha, sản lượng ước đạt 1,6 triệu tấn.

Tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông có diện tích trồng lớn nhất, chiếm khoảng 70% của toàn Trung Quốc.

Từ 2016 đến 2020, năng suất thanh long Trung Quốc tăng từ 1,24 tấn/mẫu lên mức 1,54 tấn/mẫu (một mẫu Trung Quốc tương đương 667m2). Đó là nhờ diện tích trồng tăng mạnh và áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao.

Còn một lý do nữa, đó là việc Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính như trước. Thay vào đó, nước này đã thắt chặt và đưa ra nhiều quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, nhiều mối hàng trước đây xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, nay phải chuyển sang đường chính ngạch.

Dù vậy, giới chuyên gia kỳ vọng, với việc Việt Nam có nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) “trong tay”, thì việc mở rộng thị trường là yếu tố bắt buộc của ngành nông nghiệp nói chung và thanh long nói riêng.

Người nông dân đã không “mặn mà” với thanh long

Ở Việt Nam, thanh long được trồng nhiều ở Tiền Giang, Long An và Bình Thuận. Tuy nhiên, diện tích trồng thanh long ở một số địa phương đang có xu hướng giảm.

 Người nông dân đã không “mặn mà” với thanh long. (Ảnh: TTX)

Người nông dân đã không “mặn mà” với thanh long. (Ảnh: TTX)

Như tại Bình Thuận, vào đầu tháng 3/2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, về việc diện tích trồng thanh long đã giảm gần 1.000ha.

Huyện Bắc Bình là địa phương có diện tích thanh long giảm nhiều nhất với 595ha. Trong đó có khoảng 361ha thanh long già cỗi, sản lượng thấp nên người dân chủ động chặt bỏ để thay thế bằng cây trồng khác hoặc giống khác.

Trước thực trạng này, các ý kiến chuyên gia cho rằng, muốn thanh long phát triển bền vững các địa phương có thế mạnh phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, giảm phát thải. Song song đó là nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm. Đồng thời, để phát triển bền vững cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết. Bởi dù giống tốt, trái tốt, nhưng tổ chức không tốt thì không hiệu quả, không đem lại giá trị gia tăng.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho hay, Việt Nam cần phải cân bằng các vùng sản xuất thanh long ở Việt Nam tập trung vào chất lượng hơn là sản lượng, số lượng; cần phải duy trì mức độ sản xuất tập trung, và có thể áp dụng các biện pháp về canh tác đạt chuẩn GAP, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cần phải chuyển sang tư duy sản xuất hướng đến thị trường và thiết lập các vùng sản xuất chuyên biệt về thanh long phù hợp với nhu cầu xuất khẩu ở các thị trường chính. Song song đó, cần sản xuất xanh, có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.

"Dựa trên một số nghiên cứu, 4 trên 5 người tiêu dùng ở châu Âu khi mua thực phẩm muốn thấy các sản phẩm nông nghiệp có nhãn giảm phát thải. Do đó, việc thực hiện các biện pháp sản xuất giảm phát thải, tối thiểu chi phí sản xuất cũng như tăng cường chất lượng của sản phẩm, an toàn sản phẩm và tăng cường giá trị kinh tế của sản phẩm trong toàn chuỗi là điều cấp thiết phải triển khai hiện nay”, ông Patrick Haverman chia sẻ.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-long-bi-danh-bat-ra-khoi-cau-lac-bo-ty-usd-rat-lau-moi-co-the-lay-lai-duoc-phong-do-post271584.html