Thanh long Bình Thuận, mận Sơn La là mặt hàng chiến lược

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án là phát triển ổn định diện tích trồng cây thanh long, nâng cao giá trị, duy trì và phát huy thương hiệu thanh long Bình Thuận. Trong khi đó, mận Sơn La vừa có lô hàng đầu tiên được đưa vào suất ăn trên máy bay.

Theo đề án, phát triển thanh long theo hướng hữu cơ, du lịch trải nghiệm vườn thanh long. Sản xuất đa giá trị, quy mô lớn, đảm bảo chất lượng, bảo quản nông sản hiện đại, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, góp phần tạo việc làm, thu nhập cao, tăng giá trị xuất khẩu, phát triển kinh tế - xã hội.

Cây thanh long được UBND tỉnh Bình Thuận xác định là một trong 4 mặt hàng chiến lược của tỉnh, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là cây trồng đặc sản đứng đầu trong 11 loại trái cây trong chiến lược phát triển rau hoa, quả Việt Nam.

Tổ chức Kỷ lục châu Á vừa trao bằng Kỷ lục châu Á cho Hiệp hội Thanh long Bình Thuận. Theo đó, vào tháng 4/2023, Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức công bố xác lập 9 kỷ lục châu Á mới, gồm có 4 loại, nhóm món ăn đặc sản; 3 đặc sản thiên nhiên và 2 đặc sản quà tặng. Trong đó, tỉnh Bình Thuận có 2 đặc sản là Thanh long và nước mắm thương hiệu Con Cá Vàng Phan Thiết.

Hiện tại, Bình Thuận có trên 27.700 ha thanh long, trong đó hơn 11.000 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 560 ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Thanh long Bình Thuận đã góp phần rất lớn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, là sản phẩm quan trọng nâng cao thu nhập cho nông dân... Tuy nhiên, hiện trạng phát triển thanh long đang tiềm ẩn nhiều vấn đề trong cả khâu sản xuất và tiêu thụ, cần phải làm rõ để giúp cho công tác quản lý cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững.

 Bình Thuận đang có trên 27.700 ha thanh long, trong đó hơn 11.000 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 560 ha đạt chứng nhận GlobalGAP.

Bình Thuận đang có trên 27.700 ha thanh long, trong đó hơn 11.000 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 560 ha đạt chứng nhận GlobalGAP.

Đề án xác định, đến năm 2030 diện tích cây thanh long của tỉnh Bình Thuận là 30.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 660.000 tấn/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 60%.

Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) khoảng 75%, gần 4,2% diện tích thanh long sản xuất theo hướng hữu cơ. Tỷ lệ diện tích được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 70%. Đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu chính ngạch trái thanh long tăng bình quân khoảng 5%/năm. Đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ thanh long.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển giống thanh long ruột trắng, đỏ; phân vùng trồng; cụ thể hóa các nội dung chuyển đổi số; hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến thanh long; phát triển thị trường truyền thống và thị trường mới…

Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cần phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu để dẫn dắt, kết nối với doanh nghiệp. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thụ, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp để có giải pháp tuyên truyền, cảnh báo kịp thời.

Sáng 10/6, tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, UBND tỉnh Sơn La tổ chức khởi hành đưa sản phẩm "Mận Sơn La" về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Theo đó, hơn 1 tấn mận hậu của xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đã được Công ty Cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài và Công ty Cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam thu mua để đưa vào suất ăn trên các chuyến bay. Mận được đưa vào suất ăn hàng không Việt Nam có quy cách 40-50 gram/quả, với giá 160.000 đồng/kg.

 Những chuyến xe đưa mận Sơn La về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sáng 10/6. Ảnh: Báo Sơn La.

Những chuyến xe đưa mận Sơn La về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sáng 10/6. Ảnh: Báo Sơn La.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - khẳng định quy trình sản xuất, thu hái, bảo quản nông sản chủ lực của Sơn La nói chung và sản phẩm mận nói riêng đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các điều kiện của thị trường trong nước và xuất khẩu.

"Việc sản phẩm mận Sơn La được trở thành suất ăn của Vietnam Airlines là cơ hội tiếp tục khẳng định chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm nông sản của Sơn La", ông Công nói.

Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có gần 85.000 ha cây ăn quả, sản lượng trên 452.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích mận hậu trên 12.300 ha, sản lượng gần 90.000 tấn, thời vụ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7.

Nhãn hiệu "Mận Sơn La" đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2021, với một số sản phẩm chất lượng cao, như mận Pu Nhi, huyện Sông Mã; mận Ruby, huyện Mộc Châu và mận Phiêng Khoài, huyện Yên Châu…

Trước mận, Sơn La cũng có quả nhãn được thu mua, trở thành món tráng miệng phục vụ hành khách trên các chuyến bay của Vietnam Arilines.

Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thanh-long-binh-thuan-man-son-la-la-mat-hang-chien-luoc-post1541768.tpo