Thanh long Bình Thuận mở hướng đi mới cho sản xuất xanh
Sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững trong bối cảnh hiện nay đang là một trong những tiêu chí quan trọng đảm bảo cho sự phát triển. Trong bối cảnh đó, nhiều loại cây nông nghiệp, nhất là cây thanh long ở Bình Thuận đã và đang áp dụng các tiêu chuẩn như VietGap, GlobalGap kết hợp với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định và sản xuất cho chất lượng cao.
Bình Thuận xác định việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nông nghiệp thông minh 4.0 là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Do đó, tỉnh xác định phát triển các mô hình HTX gắn với sản phẩm công nghệ cao, công nghệ tiến bộ, đảm bảo sản phẩm tiêu chuẩn cao đang được tỉnh quyết liệt triển khai.
Sản xuất công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường
Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30, huyện Hàm Thuận Nam hiện có 35 thành viên tham gia sản xuất 55 ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP.
Với tiêu chí sản xuất trái thanh long theo hướng an toàn và chinh phục những thị trường khó tính, các thành viên Hợp tác xã liên kết tạo một chu trình khép kín trong sản xuất, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long, khuyến khích tiêu thụ nông sản bằng hợp đồng có định hướng để mở ra hướng đi tích cực.
Theo bà Lê Phương Chi, Giám đốc HTX thanh long Hàm Minh 30, sau quá trình hoạt động, sản phẩm trái thanh long của HTX đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Hàn Quốc đồng thời cung cấp sản phẩm trái tươi cho các đối tác xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Trung Quốc và các siêu thị trong nước…
Bên cạnh đó, HTX cũng bước đầu áp dụng công nghệ cao để cho ra sản phẩm thanh long sấy khô theo hướng Global GAP để xuất khẩu đi các thị trường khó tính.
“Sản xuất công nghệ cao gắn với xanh, sạch, bền vững đang là xu hướng chung của thế giới. Vì vậy để tồn tại không còn cách nào khác là người nông dân phải tham gia sản xuất thanh long sạch theo hướng VietGap, Global GAP”, bà Chi nói.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT đánh giá, hiện nay, các HTX trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần làm giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đến nay, việc thực hiện đề án sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thanh long bước đầu đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay và xu thế phát triển của thế giới, các HTX sản xuất theo VietGAP, Global GAP sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, tưới nước tiết kiệm, trồng thanh long bằng giàn... các HTX đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất bằng công nghệ điện tử.
“Đặc biệt, mô hình tưới tiết kiệm đã giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động (công tưới nước, bón phân), tiết kiệm điện năng, lượng nước sử dụng,... Kết quả, hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao lợi nhuận tăng bình quân khoảng 2,5-5 triệu đồng/ha”, ông Cường cho hay.
Mở ra hướng đi mới
Bình Thuận là một trong những tỉnh có tiềm năng phát triển thanh long bền vững lớn nhất cả nước, nhất là điều kiện về thổ nhưỡng, ánh sáng, tỉnh cũng đang hết sức coi trọng quy mô phát triển để hài hòa với nhu cầu của thị trường, đồng thời, chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
HTX Thanh long sạch Hòa Lệ, huyện Hàm Thuận Bắc đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và chú trọng bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Theo ông Đỗ Thanh Hiệp, chủ tịch HĐQT HTX, muốn phát triển hiệu quả và bền vững, bên cạnh việc mở rộng tìm kiếm thị trường chính ngạch, cần phải phát triển sản xuất thanh long theo quy trình sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Để áp dụng quy trình canh tác thanh long VietGAP cho ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường, HTX hướng dẫn thành viên tuân thủ những quy định như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc thuốc bị cấm, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, phải ghi sổ sách nhật ký sản xuất rõ ràng, trung thực.
Việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bóng đèn huỳnh quang sau sử dụng được thực hiện theo đúng quy định.
Theo đó, vỏ thuốc bảo vệ thực vật không được vứt bừa bãi mà phải cho vào thùng rác có nắp đậy. Bình thuốc sau khi phun được tráng và đổ vào hố có các lớp lọc từ than, cát. Bóng đèn huỳnh quang hỏng cũng được tập kết vào khu vực riêng để dễ dàng vận chuyển, hạn chế gây hại cho sức khỏe và môi trường.
“Sản xuất theo quy trình VietGAP mang lại sự ổn định đầu ra, không phải lo điệp khúc “được mùa, mất giá”, chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng, thu nhập cao và chất lượng cuộc sống nâng lên, sức khỏe và môi trường nông thôn được đảm bảo. Với những gì đã đạt được, HTX Hòa Lệ đã trở thành một trong những mô hình sản xuất thanh long khép kín từ trồng trọt, canh tác, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, chế biến và xuất khẩu theo tiêu chuẩn an toàn.”, ông Hiệp chia sẻ.
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đánh giá, chuyển đổi sản xuất gắn với ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, an toàn và truy xuất nguồn gốc theo hướng VietGAP, GlobalGAP… được Bình Thuận hết sức chú ý.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chuyển đổi về giống, đưa các giống thanh long chất lượng vào cơ cấu sản xuất, kết hợp với kỹ thuật trồng, kỹ thuật ủ và sử dụng phân hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, phun mưa),… kết hợp kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ bằng xông đèn compact tiết kiệm điện, kỹ thuật tuyển chọn nụ và trái, giảm lượng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật… Nhờ vậy, năng suất đều tăng hằng năm.
Với những giải pháp trên, thời gian tới sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước phát triển bền vững, chất lượng sản phẩm được nâng lên qua đó góp phần khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong vào ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.