Thanh long kết trái trong rừng ngập mặn
Trong vuông nuôi tôm của gia đình Mai Trúc Lâm ở huyện Cái Nước, Cà Mau những cây thanh long không được trồng dưới đất mà sinh sôi nảy nở từ thân cây mắm đều đặn đơm bông, kết trái. Từ giống cây bản địa mà gia đình Lâm 'phục tráng', một mô hình trồng độc đáo này với khát vọng thoát nghèo đã thành hình.
Thanh long sống ký sinh trên cây mắm
Vườn thanh long độc đáo này của gia đình Mai Trúc Lâm đang có khoảng 50 gốc thanh long khoảng 5 năm tuổi cho trái và 1000 gốc thanh long được 1,5 năm tuổi, sẽ cho trái từ năm sau. Vài năm trở lại đây, cây thanh long đã trở thành một trong những nguồn kinh tế giúp gia đình anh thoát cảnh nghèo mà theo anh mô tả “con cá phải chia làm 4”.
“Nhà tôi vốn làm nghề nuôi tôm trong ruộng tự nhiên, nhưng nước thải từ ruộng nuôi tôm công nghiệp đã tràn vào ruộng của nhà tôi làm tôm chết sạch cả. Thêm vào đó xâm nhập mặn cũng khiến 40 loại cây, con nuôi trong vườn nhà tôi hoặc chết hoặc cho năng suất thấp. Tiền bán tôm không đủ tiền giống.” - Mai Trúc Lâm nhớ lại.
Giữa những khó khăn đó, Mai Trúc Lâm và bố của mình ông Mai Lâm Phương luôn nghĩ đến việc phải làm sao để thoát nghèo giữa những ‘u u minh minh’ của sông nước Cà Mau. Những thử nghiệm trên hàng loạt cây trái giúp ông Mai Lam Phương phát hiện ra, trong khi những cây ăn quả khác đều chết, thậm chí cả cây thanh long được đưa về từ Bình Thuận, Tiền Giang cũng lụi dần thì giống thanh long bản địa ruột trắng, trái vừa chua vừa chát lại có sức sống mãnh liệt. “Ít nhất nó vẫn còn sống” - ông Mai Lam Phương đã nghĩ vậy và hy vọng đây sẽ là con đường thoát nghèo cho cả gia đình.
Lâm kể, hồi ấy, hàng xóm thấy ba mình cứ ngày đêm lăn lộn với cái cây thanh long đến bò cũng không thèm ăn ấy là nói xối xả ‘đồ khùng’ ‘đồ điên’. Bỏ qua mọi lời can ngăn, nên tập trung chí thú làm ăn, ông Lam Phương miệt mài phục tráng để trái thanh long địa phương cho chất lượng tốt nhất.
“Giống thanh long ấy được gia đình tôi đặt tên là Toocuôl rồi nhân giống cho bà con xung quanh trồng.. Vì sống giữa rừng ngập mặn, gia đình không có nhiều đất nên ba tôi nghĩ đến việc cấy thanh long kí sinh lên tất cả mọi loại cây có trong vườn nhà. Cứ khi thủy triều lên xuống, cây thanh long mới xuống giống phát triển bình thường nhưng nếu ngập mặn liên tục trong 6 ngày bộ rễ bị thối và chết dần. Điều khác lạ nằm ở chỗ, thanh long trên cây mắm dù nước có ngập lâu hơn nữa vẫn phát triển bình thường” - Lâm kể lại. Khi chặt cây mắm ra nghiên cứu, Lâm và ba mình phát hiện ra, cây mắm khác các loại cây khác ở chỗ nó có nhiều lớp vỏ và nhiều đường chuyển dinh dưỡng. Vì thế, khi thanh long sống ký sinh và hút chất dinh dưỡng từ lớp vỏ ngoài, cây mắm vẫn có thể sống bình thường. Nhờ cây mắm, bộ lọc tự nhiên xử lý nước mặn, trái thanh long đặc biệt vô cùng: vỏ sáng bóng, mỏng, màu tím sen, tai nhỏ, ngắn và nhọn, ruột trắng, ít hạt, ngọt thanh và phảng phất hương nhãn.
Tận dụng mọi sản phẩm từ rừng ngập mặn để làm kinh tế
Mai Trúc Lâm cho biết, nếu thanh long trồng dưới đất cho khoảng 200-300kg mỗi gốc thì cây thanh long sống trên cây mắm của gia đình anh có năng suất chỉ bằng 1/4, khoảng 60kg. Mỗi năm, cây cho trái 1 vụ từ tháng 6 đến tháng 9. Hiện nay, nếu như các loại thanh long bình thường ở chợ địa phương với giá 3000-4000 đồng/kg thì thanh long của gia đình Mai Trúc Lâm bán được 15.000 - 20.000 đồng/kg tại vườn cho thương lái.
“Điều đặc biệt là thanh long trồng trong rừng mắm ngập mặn không xịt thuốc, không phân bón. Chúng tự hút lấy dinh dưỡng từ cây mắm để sống. Dưới nước gia đình tôi nuôi tôm tự nhiên nên nếu dùng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón, tôm sẽ chết. Vì thế, tôi tự tin khẳng định trái thanh long nhà minh sạch 100%.” - Mai Trúc Lâm cười nói.
Mai Trúc Lâm muốn tiếp tục mở rộng diện tích vườn đến khoảng 30ha rồi xây dựng mô hình du lịch sinh thái vườn mắm như một phần của hành trình khám phá miền Tây. Theo đó, du khách sẽ được ăn mật hoa từ cây mắm, thanh long, ăn thủy hải sản ngay dưới chân rừng thanh long, tráng miệng bằng thanh long trong vườn, mua đồ lưu niệm từ gỗ mắm.
Khoảng 3 năm trở lại đây, cây thanh long đã trở thành một nguồn thu giúp cải thiện cuộc sống gia đình Mai Trúc Lâm. Niềm vui từ trái thanh long đã thúc đẩy, Mai Trúc Lâm cùng cha mình nghiên cứu chiếc máy tiện để giũa gỗ mắm thành đũa, muỗng... Lâm hồ hởi nói: “Mắm là cây đặc biệt, có sức sống mãnh liệt và hiệu quả kinh tế. Nếu như dừa muốn lấy gỗ cần từ 5-6 năm thì cây mắm chỉ cần 2 năm là có thể khai thác. Gỗ mắm có vân đẹp nên dùng làm đũa, muỗng rất được yêu thích. Gỗ mắm nếu không biết tiện dễ vỡ vụn nhưng nhờ kỹ thuật riêng nên đũa ‘made in Mai Gia Trang’ lại rất bền, không bị cong vênh khi dùng lâu dài”.
Hiện tại, những ai vào vườn của gia đình Mai Trúc Lâm đều ngạc nhiên bởi cách mà người nông dân Cà Mau đã sáng tạo để chống chọi lại với hiện tượng nước mặn xâm nhập ngày càng trầm trọng ở miền Tây. Đa phần họ không ‘bó tay chịu trận’ mà đều tìm mọi cách để thích ứng với nó. Trong vườn nhà Lâm, dưới nước thì nuôi tôm, cua, cá, ốc len theo lối thuận tự nhiên, trên mặt nước thì trồng cây mắm kèm thanh long, ong cũng được nuôi để tận dụng nguồn hoa mắm, thanh long khi vào mùa.
Thành công của Mai Trúc Lâm là minh chứng cho thấy khả năng phát triển kinh tế ngay trên vùng ngập mặn. Bà con miền Tây hoàn toàn có cơ hội chung sống với hạn mặn chứ không cần đi phá rừng hay đánh bắt hải sản non để duy trì cuộc sống. Khi người dân có công ăn việc làm ổn định từ rừng ngập mặn thì thiên nhiên sẽ được giữ gìn, thậm chí rừng mắm còn có thể mở rộng vì hiệu quả kinh tế mà nó đem lại - Lâm đầy tâm huyết chia sẻ về lý do anh muốn phát triển dự án đến cùng.
Mô hình trồng thanh long trong vườn mắm của Mai Trúc Lâm đã nhận được nhiều giải thưởng về khởi nghiệp:
- Giải Én Xanh của Én Xanh 2019
- Giải khuyến khích - Eureka 2019 (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh)
- Giải Tư - Business ideas 2019 (UEF)
- Giải Ba - ý tưởng khởi nghiệp CIC 2019 (ITP)
- Giải Nhì - Khởi nghiệp quốc gia 2019 (VCCI)
- Giải Nhì - Ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp trong tầm tay 2019 (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh).