Thanh long 'mắc kẹt' tại cửa khẩu, bao giờ mới đến hồi kết?

Tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu không phải mới xảy ra. Thị trường xuất khẩu thu hẹp, tại những nơi có sản phẩm nông nghiệp, người dân lại lao vào 'giải cứu' nông sản, nhưng có lẽ họ cần là một giải pháp bền vững cho thị trường này.

Hơn 8.000 tấn thanh long “khóc ròng” chờ thông quan

Trong khi hàng nghìn xe hàng nông sản đang ùn tắc ở Lạng Sơn, ô tô phải đỗ tràn quốc lộ 1A, phía Trung Quốc đột ngột thông báo tạm dừng nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long thời gian từ 0h ngày 29/12 đến 24h ngày 26/1/2022.

Theo thống kê của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, hiện có khoảng 500 xe container đang gặp khó trong việc thông quan tại các cửa khẩu Lạng Sơn (chưa tính cửa khẩu Bắc Luân, giáp Quảng Ninh). Kéo theo đó là khoảng 8.000 tấn thanh long đang mắc kẹt tại các cửa khẩu Lạng Sơn có nguy cơ hư hỏng.

Thống kê của Sở NN&PTNT Bình Thuận cho thấy, sản lượng thanh long toàn tỉnh năm 2021 ước đạt 631.500 tấn, thấp hơn năm 2020 là 66.500 tấn (năm 2020 đạt 698.000 tấn). Hiện nay nông dân đang thu hoạch thanh long trái vụ. Từ nay đến đầu tháng 1/2022, ước tính thu hoạch khoảng 60.000 tấn.

Theo đó, toàn tỉnh đang có khoảng 15.000 ha thanh long đang chong đèn trái vụ sẽ thu hoạch trước và sau dịp Tết Nguyên đán. Nếu việc thông quan tại các cửa khẩu vẫn tắc nghẽn như hiện nay sẽ là mối lo ngại lớn cho ngành trái cây nói chung và thanh long nói riêng.

Việc thông quan tại các cửa khẩu vẫn tắc nghẽn sẽ là mối lo ngại lớn cho ngành trái cây nói chung và thanh long nói riêng. (Ảnh: Báo BR-VT)

“Phải hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long sạch, có mã vùng liên kết, có xuất xứ nguồn gốc, ứng với giải pháp công nghệ số trong quản lý chất lượng. Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP, gắn mô hình “4 nhà” là Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN và nhà nông, để tạo ra thương hiệu bền vững cho thanh long Bình Thuận” - ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận nhận định.

Báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tính đến sáng 29/12 ở tỉnh Lạng Sơn còn tồn ứ 3.530 xe hàng, trong đó có 2.365 xe chở nông sản. Trong số xe chở nông sản có hơn 900 xe chở thanh long (khoảng 10.000 tấn quả). Trước tình trạng đó, nhiều xe chở thanh long đã lần lượt rời bãi kiểm hóa Bảo Nguyên và khu phi thuế quan ở cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) hoặc theo quốc lộ 1A về xuôi tiêu thụ, bán lẻ.

Ngay tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, nhiều xe chở thanh long cũng quay đầu. Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết, hiện nay tại bãi Xuân Cương nằm trong khu vực cửa khẩu còn 426 xe chở thanh long. Trong số này, 48 xe đã khai báo hải quan xong, nằm sát biên giới Việt - Trung sẵn sàng sang Trung Quốc bàn giao hàng hóa thì phía bạn thông báo tạm dừng nhập khẩu.

Trong buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề xuất với địa phương 7 nội dung, trong đó có việc nắm chắc thông tin, chủ động hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc cùng nhau tháo gỡ tình trạng ùn ứ hàng xuất nhập khẩu, vì hiện nay tại cả hai cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma (huyện Lộc Bình), việc xuất khẩu rất nhỏ giọt (tổng 85 xe hàng/ngày), nếu vậy thì phải hàng tháng mới hết hàng tồn (với điều kiện xe từ các tỉnh không đổ dồn về). Tỉnh cũng nên chủ động, tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 đối với đội ngũ lái xe đường đài. Đồng thời, Lạng Sơn nên có biện pháp, chính sách hỗ trợ các lái xe “quay đầu”, nhất là xe chở thanh long.

Điệp khúc quen thuộc

Dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam kéo theo nhiều hệ lụy về phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh nông sản. Đáng chú ý, vào đúng thời điểm nhiều địa phương thu hoạch nông sản, khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường xuất khẩu thu hẹp, tiêu thụ trong nước chật vật, tại những nơi có sản phẩm nông nghiệp, người ta lại lao vào “giải cứu” nông sản, nhưng có lẽ người nông dân cần là một giải pháp bền vững cho thị trường này.

Tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản tại cửa khẩu không phải mới xảy ra thời gian gần đây. (Ảnh: Chí Nguyên)

Tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu không phải mới xảy ra. Trước đó, vào tháng 10/2019, xe chở nông sản, chủ yếu từ các tỉnh phía Nam ra cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) ùn ứ cục bộ khiến cho giao thông khu vực cửa khẩu và dọc tuyến đường khu phi thuế quan kéo dài khoảng 5 km bị ảnh hưởng. Lượng hàng dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến (khoảng trên 250 xe/ngày) chủ yếu là mặt hàng thanh long do đang vào chính vụ.

Tương tự Lạng Sơn, tại cửa khẩu đường bộ Kim Thành, thuộc cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cũng xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ xe chở thanh long từ các tỉnh miền Trung và miền Nam ra để xuất khẩu sang thị trường tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Hàng ngày, có khoảng 500 đến 600 xe đầu kéo loại tải trọng lớn, chở thanh long lên cửa khẩu đường bộ Kim Thành để làm thủ tục xuất hàng.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ùn ứ này là do phía Trung Quốc thực hiện quy trình kiểm soát đối với phương tiện vận tải và hàng hóa nhập khẩu kể từ ngày 12/10. Theo đó, tất cả phương tiện nhập cảnh vào Trung Quốc đều được các lực lượng chức năng phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra thủ công từng cabin, container hàng, dẫn tới kéo dài thời gian, thông quan.

Bên cạnh đó, do đang vào mùa thu hoạch chính vụ nên lượng xe chở thanh long đến cửa khẩu Lào Cai tăng đột biến, trong khi lưu lượng thông quan xuất khẩu tại cửa khẩu đường bộ Kim Thành trung bình khoảng gần 300 xe/ngày. Do không thể thông quan kịp nên các xe chở thanh long đỗ chật cứng khu vực bãi kiểm hóa và xung quanh cửa khẩu đường bộ Kim Thành.

Tiếp đó, theo Công điện từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona đang diễn biến phức tạp, chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã tăng cường các biện pháp ứng phó, đặc biệt về thương mại. Trong đó tạm dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa cư dân biên giới trên toàn tuyến biên giới tỉnh Quảng Tây từ ngày 31/1/2019 (mùng 7 tháng Giêng) đến hết ngày 8/2/2020 (15 tháng Giêng).

Theo đó, có khoảng hơn 100 xe thanh long xuất sang Trung Quốc nhưng chưa được thông quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn và khoảng 150 xe thanh long đang ùn ứ tại cửa khẩu Lào Cai.

Ông Trần Văn Tân, chủ cơ sở thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết, trước Tết ông thu mua thanh long với giá từ 15 đến 16 đồng/kg và đã xuất được sáu container thanh long qua Trung Quốc trong dịp trước và trong Tết. Tuy nhiên, đến ngày 29/1, ngày đầu tiên khi phía Hà Khẩu (Trung Quốc) thông báo tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa thì ông có bốn container với 72 tấn thanh long bị kẹt tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Nếu đến ngày 8/2 (15 tháng Giêng) mà vẫn chưa được thông quan, chất lượng thanh long sẽ giảm có khả năng không thể bán được và phải bỏ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh... bị ùn ứ thời gian gần đây là do chúng ta đang bị động.

Vì vậy, để xuất khẩu nông sản một cách bền vững, Việt Nam phải đi từ vùng nguyên liệu, hệ thống hạ tầng logistics, xây dựng thương hiệu nông sản... chuẩn hóa mọi quy trình.

Ông Hoan cũng cho biết trong chương trình phục hồi đầu tư công sau đại dịch của Chính phủ, bộ cũng sẽ dành một kinh phí đầu tư cho các chuỗi logistics trong nội địa dành riêng cho lĩnh vực nông sản. Những trung tâm phân loại bảo quản, kho lạnh sẽ được đầu tư ở những vùng nguyên liệu cho ra tới biên giới, nhất là cửa khẩu ở phía Bắc.

Lan Anh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thanh-long-mac-ket-tai-cua-khau-bao-gio-moi-den-hoi-ket-62665.html