Thanh Ngân, Trọng Phúc ghi dấu ấn trong 'Tướng cướp Bạch Hải Đường'
Tối 13-6, dù trời mưa to, khán giả vẫn đến Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang xem suất hát đầu tiên của vở cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường với phiên bản mới do đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng.
Ban tổ chức phải kê thêm ghế súp ở hai lối đi để phục vụ khán giả đã đội mưa đến xem vở cải lương kinh điển này.
Câu chuyện kể về Đăng Hoàng Minh vì thương vợ, không muốn vợ sống trong nghèo khổ đã sa chân vào con đường trộm cướp. Nghe giới giang hồ đồn đãi về một tên tướng cướp "trăm trận, trăm thắng" với biệt danh "Bạch Hải Đường", người vợ lúc này đã ngoại tình, viết đơn tố cáo. Người bắt giam Đặng Hoàng Minh không ai khác lại là ông cò Bằng, bạn học của mình. Cò Bằng đã nuôi bé Thu, con gái của Minh, khi Minh đi tù.
Nội dung kịch bản do soạn giả Nguyễn Huỳnh viết hấp dẫn, đầy tính hỉ, nộ, ái, ố của một vở cải lương. Khán giả mộ điệu sân khấu vốn đã thuộc làu từng câu thoại, lời ca bởi Hãng dĩa Việt Nam của cô Sáu Liên đã từng tái bản hàng trăm lần tác phẩm này trên băng dĩa với sự thu âm của nhiều nghệ sĩ tài danh: Hùng Cường, Ngọc Giàu, Phương Quang, hề Thanh Việt, Dũng Thanh Lâm…
Đã có nhiều bản dựng khác nhau của nhiều đạo diễn sau ngày đất nước thống nhất, nhưng với phiên bản mới của đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu, ông đã tạo thêm một dấu ấn đẹp cho kịch bản này khi triển khai sâu hơn những nỗi niềm mà nhân vật Nhung của NSND Thanh Ngân và Đặng Hoàng Minh của NSƯT Trọng Phúc đối diện với bi kịch. Ngoài ra, sự chuyên nghiệp từ âm nhạc, cảnh trí, ánh sáng, âm thanh, trang phục... đem lại sự chuẩn mực cho sàn diễn cải lương đúng khuynh hướng Thật và Đẹp mà NSND Nguyễn Thành Châu đã kiến tạo.
Có được sự yểm trợ sáng tạo từ một đạo diễn mát tay gầy dựng nét thanh xuân cho từng tác phẩm cải lương chạm đến tim công chúng, Thanh Ngân và Trọng Phúc như được "bơi lội" đúng trong dòng nước mát, đẩy những cảm xúc thăng hoa, mang lại cho không gian vở diễn nét trữ tình da diết.
Mỗi diễn viên dù vai chính, vai phụ bước ra sân khấu đều được khán giả tặng thưởng vì họ tin rằng sự lao động chân chính của nghệ sĩ đã làm nên một vở diễn đạt hiệu quả cao.
Điều bất ngờ hơn khi đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho biết các câu vọng cổ mới, lời thoại được cập nhật và cả phần âm nhạc với các ca khúc chủ đề đều do NSND Thanh Ngân sáng tác.
Giọng ca của NSƯT Trọng Phúc làm khán giả nhớ đến danh ca Hùng Cường. Anh diễn vai Bạch Hải Đường trầm tĩnh, đầy nam tính và thuyết phục khán giả bởi diễn xuất, giọng ca trên nền tảng kịch bản văn học xuất sắc của soạn giả Nguyễn Huỳnh.
Hai kép trẻ đắt giá gây bất ngờ cho giới mộ điệu là Nguyễn Văn Khởi (vai Cò Bằng) và Nhựt Nguyên (vai Cang). Ban đầu giới chuyên môn nghi ngại vì đây là vai của hai tài danh thuộc thế hệ vàng: Phương Quang và Dũng Thanh Lâm. Và cả hai đã được đạo diễn uốn nắn, chăm chút để lột xác thật sự qua vở diễn này.
Khán giả dành nhiều lời khen cho hai vai hài duyên dáng, đáng yêu của vở do NS Hoàng Minh Vương (cai ngục) và Dũng Nhí (bầu Trung) thể hiện. Vở còn diễn viên Mỹ Hằng, Diễm Thanh góp phần cảm xúc chân thật cho vai vợ cò Bằng và bé Thu.
Xóa tan nghi ngờ về "cải lương đang chết"
Câu nói "Cải lương đã chết, khó bán được vé vì khán giả không thích xem vở cũ" xem ra chưa chính xác. Thay vào đó phải là "Cải lương nếu biết cách làm, khán giả vẫn đông kín rạp". Bằng chứng vở này sẽ tái diễn vào tối 26-7 và chỉ mới thông báo thì phòng vé đã nhận đăng ký 2/3 rạp.
Điều quan tâm của khán giả chính là vở diễn đảm bảo được nội dung hay, cặp đào kép chánh là ngôi sao có sức lan tỏa rộng và vở phải có hạt nhân trẻ, cho thấy tiềm lực phát triển bên cạnh tài nghệ chỉ đạo của vị "nhạc trưởng" giỏi nghề là đạo diễn sân khấu với hình thức dàn dựng sinh động, lôi cuốn. Để đạt được điều này nhìn lại các vở của nhà hát Trần Hữu Trang có sự tham gia của NSND Thanh Ngân và NSƯT Trọng Phúc đều xóa tan nghi ngờ về cụm từ "cải lương đang chết".