Thanh niên 8X lưu giữ nét đẹp truyền thống

Dự án khởi nghiệp 'Cung cấp dịch vụ trang trí bàn thờ gia tiên và cổng cưới truyền thống' của anh Nguyễn Bá Trung (32 tuổi, ngụ phường 4, TP.Sa Đéc) đã tạo việc làm cho nhiều thanh niên có thu nhập ổn định đồng thời góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống. Đặc biệt dự án này vinh dự đạt giải Ba cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Anh Nguyễn Bá Trung thiết kế cổng cưới cho khách hàng.

Anh Nguyễn Bá Trung thiết kế cổng cưới cho khách hàng.

Ý tưởng khởi nghiệp “độc, lạ”

Anh Trung tốt nghiệp đại học hành chính nhưng đặc biệt đam mê với việc tạo hình và chế tác hình ảnh rồng phụng bằng trái cây. “Dự án trang trí bàn thờ gia tiên và làm cổng cưới truyền thong bắt nguồn từ đam mê của tôi khi tham gia các lễ hội cúng đình, miếu ở địa phương, thấy các chú bác làm trang trí rất đẹp và mang tính truyền thống, từ đó tôi học hỏi và theo đuổi nghề này” - anh Trung kể.

Bên cạnh sử dụng những nguyên vật liệu khá đơn giản như lá dừa nước, thân cây chuối và một số loại trái cây thông thường, anh Trung mong muốn các “tác phẩm” của mình làm ra còn mang một nét riêng của địa phương. Thông qua việc tận dụng các loài hoa ở làng hoa Sa Đéc và các loại trái cây đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp để trang trí mâm ngũ quả và làm cổng cưới như một cách để quảng bá hình ảnh địa phương đến bạn bè khắp mọi nơi.

Hiện giá của mỗi cặp rồng phụng làm bằng trái cây kết hợp với hoa để trưng trên bàn thờ gia tiên trong ngày cưới thấp nhất khoảng 1,8 triệu đồng và chiếc cổng cưới bằng lá dừa nước từ 3,5 triệu đồng trở lên. Có khi lên tới 10 triệu đồng cho một dịch vụ trọn gói tùy theo đơn đặt hàng và yêu cầu của khách hàng. Xu hướng hiện nay, nhiều người tổ chức tiệc cưới thích quay về với nét xưa, muốn làm những hình thức độc, lạ so với những cổng cưới dịch vụ bình thường.

Giữ lại nét đẹp truyền thống

Để triển khai thực hiện có hiệu quả ý tưởng, anh Trung tập hợp một nhóm từ 5 - 10 thanh niên có cùng đam mê tham gia. Mặc dù, nhân lực khá nhiều nhưng người thật sự có đam mê thì lại rất ít, đây cũng là một trong những khó khăn mà anh đang gặp phải trong việc triển khai thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình. “Để làm một chiếc cổng cưới chất lượng thì yếu tố tay nghề là quan trọng nhất, khi đã đào tao được nhiều bạn có tay nghề thì thời gian rút ngắn rất nhiều và mỗi bạn sẽ có thêm những ý tưởng thì chiếc cổng cưới sẽ ngày càng đẹp hơn” - anh Trung chia sẻ.

Mặc dù, trên thị trường khá thịnh hành dịch vụ này nhưng dự án của anh Trung còn mới nên nguồn khách hàng ban đầu còn khá hạn chế, chủ yếu là khách quen hoặc ở các huyện, thị, thành trong tỉnh. Để có thể quảng bá và phát triển dự án trong thời gian tới, anh Trung mong muốn sẽ tìm được nhà đầu tư và thành lập Tổ hợp tác để mở rộng địa bàn hoạt động, phục vụ nhiều khách hàng hơn và cũng tạo công ăn việc làm cho các bạn đoàn viên, thanh niên tại địa phương. “Tôi đã tham mưu với địa phương thành lập Tổ hợp tác kinh tế và sẽ mở một lớp dạy nghề cho các bạn đoàn viên, thanh niên có cùng đam mê để bảo vệ ý tưởng của mình và xây dựng phong trào khởi nghiệp, thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật trang trí bàn thờ gia tiên và làm cổng cưới truyền thống” - anh Trung cho biết dự định.

Điểm nổi bật thu hút người nhìn của một chiếc cổng cưới hay một cặp rồng phụng bằng trái cây và hoa là nó vừa mang nét đẹp truyền thống vừa thể hiện được nét tinh xảo của người làm. Đám cưới sẽ trở nên long trọng và thu hút khi được trang trí bằng một chiếc cổng cưới truyền thống. Chiếc cổng cưới sẽ trở thành điểm nhấn để cô dâu chú rể lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất cùng với bạn bè và khách dự trong ngày trọng đại của đời mình. Chính vì lẽ đó, những chiếc cổng cưới truyền thống ngày càng được ưa chuộng, dịch vụ làm cổng cưới truyền thống cũng ngày càng nở rộ, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho rất nhiều thanh niên.

Ông Phạm Văn Thấm ngụ ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc nhận xét: “Tôi rất thích cách trang trí cổng cưới cổ xưa do ông bà để lại, ngày cưới mà làm những cái cổng như thế thì rất đẹp và cảm giác tuyệt vời. Tôi cũng mong muốn bà con mình giữ lại truyền thống này mãi mãi về sau. Dù thực tế hiện đại như thế nào thì cũng phải nhớ về những cổng cưới của ông bà để lại”.

Bên cạnh đeo đuổi đam mê, anh Trung còn là một cán bộ Đoàn đầy nhiệt huyết. Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng trong phát triển dự án khởi nghiệp, anh đã góp phần tạo nên một điểm sáng trong phong trào khởi sự lập nghiệp của thế hệ trẻ trên địa bàn TP.Sa Đéc. Anh Trần Thái Trung - Phó Bí thư Thành đoàn Sa Đéc nhận xét: “Dự án khởi nghiệp trang trí bàn thờ gia tiên và làm cổng cưới truyền thống của anh Nguyễn Bá Trung trong những năm gần đây rất được khách hàng ưa chuộng. Dự án này rất có tiềm năng, nếu được phát triển đúng cách sẽ góp phần giúp thanh niên tại địa phương có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Hướng tới, Hội Liên hiệp Thanh niên và Câu lạc bộ khởi nghiệp TP.Sa Đéc sẽ giúp anh Trung thành lập Tổ hợp tác kinh tế để định hướng hỗ trợ cho các thanh niên khởi nghiệp cùng làm kinh tế”.

Cuộc sống dù phát triển đến đâu thì những nét đẹp truyền thống gắn liền với quê hương xứ sở vẫn luôn là giá trị cần được lưu giữ. Với những gì mà một cán bộ Đoàn trẻ như anh Trung đã và đang làm được, góp phần vô cùng to lớn trong việc truyền cảm hứng và cổ vũ mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp cho các thanh niên khác tham gia khởi nghiệp.

DƯƠNG ÚT - TRẦN ĐẤU

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/van-hoa/thanh-nien-8x-luu-giu-net-dep-truyen-thong-85256.aspx