Thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp thời đại 4.0 - Kỳ II: Những 'quả ngọt' kết tinh từ chuyển đổi số

BHG - Với sự định hướng, hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền và tổ chức Đoàn các cấp, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) Hà Giang đã thực hiện nhiều dự án, mô hình tiềm năng, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp (KN) rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Nhờ năng động, tích cực bắt nhịp với chuyển đổi số (CĐS), nhiều start – up đã KN thành công, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới, sáng tạo.

9X khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao

Chị Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) livestream giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Chị Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) livestream giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

CĐS là xu hướng mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống KT –XH, do đó, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) DTTS Hà Giang đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội “vàng” để KN. Trong hàng trăm mô hình tiêu biểu của huyện Vị Xuyên, chúng tôi gặp gỡ với ĐV trẻ Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tiên Phong, thôn Lùng Càng, xã Phong Quang. Là người con dân tộc Tày sinh năm 1991, tốt nghiệp Cử nhân ngành Kỹ sư Mỏ địa chất, nhưng sau khi ra trường, chàng trai 9X lại quyết định rẽ ngang về quê KN. Nhận thấy nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng cao, sau khi học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, năm 2016, anh dựng nhà lưới trồng Dưa lê Bạch Ngọc, dưa lưới; đáng nói, đây là một trong những mô hình nhà lưới đầu tiên tại Hà Giang. Hiệu quả ngay từ vụ đầu tiên, anh Tiến mở rộng diện tích, quy mô, thành lập HTX với 7 ĐVTN DTTS.

Đưa chúng tôi đi thăm khu vực nhà lưới rộng 2.800 m2 tại thôn Lùng Càng, xã Phong Quang, anh Tiến hồ hởi cho biết, HTX vừa thu hoạch lứa dưa lưới đầu năm, sản lượng đạt trên 3,7 tấn, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 60 triệu đồng. Nhằm cải tạo đất giá trị kinh tế thấp thành khu nhà màng công nghệ cao sản xuất tập trung, HTX xây dựng nhà lưới tại các xã Phong Quang và Phương Tiến với tổng diện tích trên 4.000 m2. Các sản phẩm chủ lực của HTX gồm: Dưa lưới, dưa lê Bạch Ngọc, rau củ theo mùa và các loại hoa, cây tiểu cảnh. Trong đó, hàng năm duy trì trồng từ 3 vụ dưa lưới, 3 vụ dưa lê, 1 vụ dưa leo và 1 vụ rau, cà chua…; tổng doanh thu đạt 450 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 7 – 10 lao động địa phương.

“Liều lĩnh trồng dưa trên đất khó” - là câu nói quen thuộc của nhiều người khi nhận xét về các ĐVTN trẻ của HTX Nông nghiệp Tiên Phong. Bởi không ai ngờ, trên những mảnh đất cằn, những vườn dưa 4.0 với hệ thống công nghệ hiện đại, tiên tiến, thay thế sức người đang phát huy hiệu quả rất tích cực. Các thành viên HTX khẳng định bí quyết để sản xuất hiệu quả, ngoài đam mê với nông nghiệp thì ứng dụng KHCN chính là “chìa khóa” giúp HTX nâng cao năng suất, chất lượng, khẳng định thương hiệu nông sản sạch trên thị trường. Nhất là trong bối cảnh CĐS, sản xuất nông nghiệp cần có cách làm mới, đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ để cho ra sản phẩm an toàn, giá trị cao. Đầu tư trên 1,1 tỷ đồng, hệ thống nhà lưới của HTX ứng dụng công nghệ kiểm soát khí hậu, công nghệ tưới, cung cấp chất dinh dưỡng tự động, quản lý, vận hành từ xa bằng máy tính, điện thoại thông minh. Đồng thời, sử dụng công nghệ cảm biến của Nhật Bản trong quy trình quản lý vườn ươm, vườn sản xuất và nhà nuôi cấy cây. Nhờ giải pháp kỹ thuật tiên tiến, cây trồng tránh gần như 100% sâu hại, tăng năng suất, thuận lợi canh tác trái vụ trong khi giảm tới 70% nhân công.

CĐS đã tạo ra bước đột phá trong quản lý, điều hành, dù không trực tiếp ở khu vực nhà lưới, song chủ HTX vẫn nắm được quá trình sinh trưởng, hiệu quả sản xuất, doanh thu bán hàng, phân công nhiệm vụ cho lao động… tất cả được gói gọn trong một chiếc smartphone. Giám đốc HTX Nguyễn Xuân Tiến cho biết thêm, việc quảng bá, bán hàng tại các nền tảng số, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội cũng được HTX quan tâm. Nhờ đó, kết nối với nhiều thị trường tiêu thụ, 100% sản phẩm có đầu ra ổn định lâu dài. Các sản phẩm dưa lê Bạch Ngọc, dưa lưới đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới xây dựng chứng nhận OCOP, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý... Tự tin chọn lối đi riêng, mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX đã giành giải Nhất tại Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” trong ĐVTN tỉnh Hà Giang năm 2021 và là 1 trong 26 dự án lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Dự án KN thanh niên nông thôn năm 2022.

Cô gái Cờ Lao bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Website của HTX Nông, lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ.

Website của HTX Nông, lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ.

Huyện biên giới Đồng Văn hiện có trên 25.000 ĐVTN, trong đó tỷ lệ DTTS chiếm gần 90%. Nhằm thúc đẩy, phát huy sức trẻ trong CĐS, Huyện đoàn Đồng Văn tích cực phối hợp, triển khai các chương trình chuyển giao tiến bộ KHCN, hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế. Qua đó, xuất hiện nhiều điển hình KN từ liên kết sản xuất nông nghiệp, phát triển tài nguyên bản địa; tiêu biểu là ĐV Lưu Thị Hòa, thị trấn Đồng Văn. Với quyết tâm đánh thức khát vọng làm giàu trên Cao nguyên đá, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, năm 2017, cô gái Cờ Lao trở về quê, thành lập HTX Nông, lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ với mục tiêu hình thành hệ thống cung cấp thực phẩm đặc trưng từ nguồn nông sản sạch quê hương.

KN là hành trình gian nan, nhưng KN nơi “xứ đá” còn khó khăn hơn gấp bội. Bắt tay vào hành trình của mình, Lưu Thị Hòa kết hợp với gần 200 hộ dân huyện Đồng Văn xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, cung cấp các sản phẩm đặc hữu vùng lõi Cao nguyên đá như: Mật ong Bạc hà, quả lê, củ Sâm khoai, rau, củ sạch. Mỗi năm, trung bình HTX Po Mỷ đưa ra thị trường khoảng 4.000 lít mật ong, hàng chục nghìn tấn Sâm khoai, lê, rau các loại. Đa dạng mặt hàng, HTX sản xuất thêm các đặc sản như: Thịt trâu, bò, cá gác bếp, lạp sườn hun khói, phở Sâm khoai, mứt lê, lê sấy… Đồng thời, chủ động xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm nông sản, chị Hòa đã triển khai thành công chuỗi cửa hàng “Về bản” tại Hà Nội và liên kết với nhiều địa phương trên cả nước.

Anh Nguyễn Xuân Tiến, HTX Nông nghiệp Tiên Phong, xã Phong Quang (Vị Xuyên) kiểm tra hệ thống cảm biến trong quản lý vườn ươm. Ảnh: PV

Anh Nguyễn Xuân Tiến, HTX Nông nghiệp Tiên Phong, xã Phong Quang (Vị Xuyên) kiểm tra hệ thống cảm biến trong quản lý vườn ươm. Ảnh: PV

Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ Lưu Thị Hòa cho biết: Do đặc điểm địa lý, giao thông chia cắt, trình độ dân trí của một bộ phận người dân chưa cao nên việc số hóa quy trình, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn gặp đôi chút khó khăn. CĐS là tất yếu, nhưng không phải hoàn toàn, do vậy, HTX xác định nâng cao nhận thức của bà con vùng cao trong cách làm việc và tập trung xây dựng vùng nguyên liệu sạch, chất lượng là khâu then chốt. Song song với đó là ứng dụng CĐS trong quản trị, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Giờ đây, các thành viên, hộ liên kết với HTX ứng dụng tối đa dịch vụ chat nhóm trong trao đổi công việc, chăm sóc khách hàng và bán hàng online. Chú trọng số hóa thông tin sản phẩm qua tem truy xuất nguồn gốc, mã QA Code, giúp khách hàng thuận tiện truy cập link dẫn tới website, fanpage của HTX.

Về việc quảng bá, bán hàng, ngoài các kênh truyền thống, HTX Po Mỷ đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử như: Postmart, Voso, Lazada, Sendo, Tiktok, Shopee và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ bán hàng online hiện chiếm khoảng 70 – 80% tổng mức bán lẻ hàng hóa của HTX. Thông qua nền tảng internet, HTX có thể kết nối, tương tác với khách hàng ở mọi lúc, mọi nơi, cả khách nước ngoài. Thuận lợi trong bán hàng, thành viên HTX còn sáng tạo nhiều nội dung trực tuyến, không chỉ đơn thuần mua hàng hóa, khách hàng còn mua cả cảm xúc khi được trải nghiệm về vùng nguyên liệu, công đoạn công phu để tạo ra sản phẩm. CĐS từ sớm đã giúp HTX Po Mỷ tiến xa, phát triển vững chắc sau hơn 6 năm thành lập với tổng doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng/năm.

Có thể thấy, cuộc cách mạng 4.0 với cốt lõi là CĐS đang tạo ra cơ hội tuyệt vời cho người trẻ KN. Đây là động lực cho những ai còn đang “ủ mình” vươn lên bứt phá, năng động, làm chủ KHCN để đẩy nhanh quá trình tiếp cận với thị trường, dễ dàng cọ sát và đảm bảo nguồn thu nhập. Tuy nhiên, hành trình này cũng gặp nhiều thử thách khi kỹ năng của ĐVTN DTTS còn hạn chế, sức cạnh tranh lớn, đòi hỏi liên tục đổi mới và có giải pháp khác biệt để phát triển lâu dài.

-----------------

Kỳ I: Cầu nối chuyển đổi số

Kỳ cuối: Tạo môi trường để dấn thân, lập nghiệp

Bài, ảnh: LÊ HẢI – PHẠM HOAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/chuong-trinh-khoi-nghiep/202308/thanh-nien-dan-toc-thieu-so-khoi-nghiep-thoi-dai-40-ky-ii-nhung-qua-ngot-ket-tinh-tu-chuyen-doi-so-9fd7ac2/