Thanh niên Việt - Trung trao đổi phương thức hoạt động Đoàn trong tình hình mới
Sáng 16/4, Hội thảo công tác thanh niên Việt Nam – Trung Quốc với chủ đề 'Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn và các tổ chức thanh thiếu nhi trong tình hình mới' diễn ra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM. Tại đây, đại biểu hai nước đã trao đổi sâu sắc về các mô hình sáng tạo trong tổ chức hoạt động phong trào, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ số và đề xuất nhiều hướng hợp tác mới trong giao lưu thanh niên trong tình hình mới.
Khơi dậy tinh thần làm chủ công nghệ
Tại phiên tham luận đầu tiên, chị Trần Thu Hà – Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TPHCM đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc ứng dụng công nghệ số vào công tác Đoàn, Hội, Đội tại TPHCM.

Chị Trần Thu Hà – Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TPHCM đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc ứng dụng công nghệ số vào công tác Đoàn, Hội, Đội tại TPHCM. Ảnh: Phú Quang
Theo chị Trần Thu Hà, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, không gian mạng đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống của thanh thiếu nhi. Tại TPHCM, khoảng 97% thanh thiếu nhi từ 12 tuổi trở lên sử dụng internet mỗi ngày. Trước thực tế đó, Thành Đoàn TPHCM xác định chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà là điều kiện sống còn để tổ chức Đoàn tồn tại và phát triển.
Một trong những điểm nhấn là việc xây dựng hệ sinh thái truyền thông và học tập số. Mạng lưới truyền thông của Đoàn – Hội – Đội Thành phố hiện đã mở rộng tới gần 1.000 fanpage, website, kênh TikTok, YouTube. Tổng lượt tiếp cận mỗi tháng lên tới gần 2 triệu lượt với nội dung phong phú như video ngắn, infographic, podcast, nội dung thực tế ảo đặc biệt là do chính thanh thiếu nhi thực hiện.
Ứng dụng “Tuổi trẻ Thành phố Bác” cũng được triển khai như một nền tảng tích hợp đa chức năng: quản lý hoạt động, thi trực tuyến, tích lũy điểm rèn luyện, cập nhật thông tin... góp phần chuẩn hóa dữ liệu, hiện đại hóa công tác quản trị đoàn viên – hội viên.
Nhiều chương trình, hội thi từng tổ chức trực tiếp đã được chuyển sang hình thức trực tuyến hoặc kết hợp, thu hút hàng chục đến hàng trăm ngàn lượt tham gia – cao hơn nhiều lần so với hình thức truyền thống.

Sinh viên Việt Nam và du học sinh Trung Quốc tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM tham dự hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng đối mặt nhiều thách thức: thiếu hụt nhân lực có kỹ năng số, chênh lệch điều kiện tiếp cận công nghệ giữa các nhóm thanh niên, bảo mật dữ liệu và an toàn thông tin… là những vấn đề Thành Đoàn đang nỗ lực giải quyết.
Trong thời gian tới, Thành Đoàn TPHCM đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống dữ liệu thanh thiếu nhi toàn thành phố, phát triển công cụ phân tích dữ liệu lớn để cá nhân hóa hoạt động theo nhóm đối tượng. Đồng thời, sẽ từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thiết kế chương trình, dự báo xu hướng và điều hành hoạt động phong trào linh hoạt, hiệu quả hơn.
Tại hội thảo, chị Trần Thu Hà cũng bày tỏ mong muốn tăng cường trao đổi, hợp tác với Đoàn TNCS Trung Quốc – lực lượng thanh niên đi đầu về đổi mới và công nghệ tại châu Á.
“Chúng tôi hy vọng có thêm nhiều chương trình giao lưu, kết nối thanh niên hai nước thông qua các nền tảng số, tạo không gian hợp tác bền vững trong tương lai”, chị Hà nói.
Tiếp nối phiên tham luận của chị Trần Thu Hà, tại phiên tham luận với chủ đề "Công tác dẫn dắt tư tưởng của thanh thiếu niên", đồng chí Đồng Lượng, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đoàn TNCS Trung Quốc cho biết, để lan tỏa hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng hiệu quả trong bối cảnh mới, phía Trung Quốc đã triển khai các lớp học trực tuyến dành cho thanh thiếu niên, sử dụng ngôn ngữ gần gũi với giới trẻ trên không gian mạng.
Đồng thời, đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ được tổ chức tiếp cận trực tiếp với thanh niên để truyền tải các định hướng, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư đến từng người dân. Việc tuyên truyền được thực hiện chủ động, linh hoạt theo từng thời điểm, gắn với các hoạt động tình nguyện, huy động thanh niên tham gia xây dựng cộng đồng. Thông qua đó, hình thành phẩm chất, lối sống tích cực trong giới trẻ.

Đồng chí Đồng Lượng - Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đoàn TNCS Trung Quốc trình bày phần tham luận với chủ đề "Công tác dẫn dắt tư tưởng của thanh thiếu niên". Ảnh: Ngô Tùng
Thúc đẩy giao lưu thanh niên Việt – Trung
Tại phiên tham luận với chủ đề "Giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức giao lưu quốc tế, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa thanh niên Việt Nam và các nước, đặc biệt là Trung Quốc", chị Trần Hoài Minh – Ủy viên Ban Chấp hành, Phó trưởng Ban Mặt trận Thanh niên T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức trong những năm qua như Liên hoan thanh niên Việt – Trung, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên, Diễn đàn phát triển thanh niên, Trại thanh niên ASEAN – Trung Quốc…

Chị Trần Hoài Minh – Ủy viên Ban Chấp hành, Phó trưởng Ban Mặt trận Thanh niên T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trình bày phần tham luận có chủ đề "Giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức giao lưu quốc tế, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa thanh niên Việt Nam và các nước, đặc biệt là Trung Quốc". Ảnh: Ngô Tùng
Theo chị Minh, để các chương trình giao lưu đi vào chiều sâu, cần đổi mới tư duy tổ chức, lựa chọn các chủ đề thiết thực như chuyển đổi số, khởi nghiệp, bảo vệ môi trường... kết hợp linh hoạt giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Một điểm được nhấn mạnh là xây dựng các chương trình giao lưu gắn với chiến lược đối ngoại nhân dân. Trong năm 2025, hai nước sẽ tổ chức “Năm Giao lưu Nhân văn Việt – Trung” với 28 hoạt động xuyên suốt, mở rộng phạm vi tham gia tới sinh viên, doanh nhân trẻ, tình nguyện viên… Các nội dung sẽ tập trung vào khởi nghiệp, nông nghiệp thông minh, số hóa văn hóa, bảo vệ môi trường biên giới…
Nếu được triển khai đồng bộ, hiệu quả, các chương trình này không chỉ mang tính kỷ niệm mà sẽ trở thành mối liên kết thực chất giữa thế hệ trẻ hai nước.

Các bạn sinh viên hai nước chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Hà Chi