Thanh niên với văn hóa đọc

Mỗi ngày đọc một chút, đọc sách cho con nghe, thanh niên phải tìm thấy tình yêu sách... là những vấn đề được đề cập trong tọa đàm 'Thanh niên với văn hóa đọc' diễn ra ngày 16/4.

Trong khuôn khổ của Ngày hội sách, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức chuỗi các hoạt động nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc, kết hợp giao lưu, gặp gỡ những đại diện đơn vị xuất bản, nhà báo, tác giả, dịch giả...

Tọa đàm "Thanh niên với văn hóa đọc" là một trong những sự kiện đầu tiên được tổ chức tại đây, với sự tham gia của Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; nhà thơ, nhà báo Hữu Việt - Vụ trưởng, Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ, báo Nhân dân; TS. Nguyễn Thị Bích Hồng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ; ông Nguyễn Quốc Vương - tác giả, dịch giả; và MC, nhà báo Phan Đăng.

Xây dựng thói quen đọc sách cho lớp trẻ

Mở đầu tọa đàm, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc khẳng định vị trí, tầm quan trọng của sách đối với thanh niên trong sự nghiệp phát triển của đất nước.

Nhà sử học cho biết nhiều người nghĩ rằng ông “sở hữu” một bộ não dung nạp được nhiều thông tin, nhưng trên thực tế ông luôn mang bên mình một chiếc ipad để kiểm tra thông tin trên mạng về mọi dữ kiện để đảm báo tính chính xác tuyệt đối trước khi đưa ra câu trả lời nào đó.

Điều đó cho thấy, bất kỳ kho kiến thức chung nào cũng cần được trau dồi và rèn luyện mỗi ngày. Việc đọc sách đối với thanh niên cũng thế. Sách là phương tiện, công cụ lưu giữ sự tiến bộ, văn minh và chặng đường phát triển của con người.

 Nhà sử học, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Phạm Thắng.

Nhà sử học, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Phạm Thắng.

Mặt khác, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ - nêu lên quan điểm và vai trò của văn hóa đọc trong gia đình. Vấn đề đặt ra ở nhiều gia đình ngày nay là bố mẹ có thể thích đọc sách nhưng con cái thì chưa. Vì thế, để lớp thanh niên có thói quen đọc sách, cần đầu tư và tạo dựng thói quen ngay từ khi con còn nhỏ.

Trước đông đảo người đến tham dự tọa đàm, bà Hoa Phượng chia sẻ câu chuyện của bản thân mình từ khi mang thai. Suốt thời gian đó, bà đã luôn đọc sách cho con nghe.

Thú vị hơn, “nhiều nghiên cứu về thai giáo đã chỉ ra rằng, thai nhi luôn có phản ứng lại trước mỗi câu chuyện bố mẹ chúng đọc, có thể bằng cách đạp vào bụng mẹ”, bà nói.

Theo người đại diện NXB Phụ nữ, từ khi còn trong thai nghén, con người chúng ta đã có thể hình thành và dung dưỡng thói quen đọc sách. Các em bé được bố mẹ đọc sách cho nghe hàng ngày chắc chắn khi lớn lên sẽ yêu sách.

Tiếp lời bà Hoa Phượng, ông Nguyễn Quốc Vương - người được mệnh danh là “bán sách rong” sau du học - đồng tình với việc nên huấn luyện cho lớp trẻ đọc sách càng sớm càng tốt. Cá nhân ông luôn tạo ra hứng thú đọc sách cho con dựa trên quan điểm “không nhồi nhét”.

“Mỗi ngày đọc một chút, và mỗi khi đọc đến đoạn cao trào nào đó trong cuốn sách, tôi sẽ dừng lại để tạo sự tò mò và hứng thú cho con, bé ngay lập tức sẽ muốn được đọc tiếp”, ông Vương chia sẻ bí quyết của mình.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh đọc sách là hoạt động cần diễn ra mọi lúc, mọi nơi, chứ không cố định không gian hay thời gian. Các bạn trẻ có thể đọc sách trên xe buýt, khi đang đợi bạn, hay đang ngồi quán cafe...

 Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo thanh niên. Ảnh: Phạm Thắng.

Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo thanh niên. Ảnh: Phạm Thắng.

Sứ mệnh của thanh niên với văn hóa đọc

Sứ mệnh phát triển văn hóa đọc đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó thanh niên là một trong những đối tượng gánh vác trên vai trọng trách quan trọng nhất.

Tại buổi giao lưu, nhà thơ, nhà báo Hữu Việt - Vụ trưởng, Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ, báo Nhân dân đưa tra trao đổi và định hướng xây dựng thói quen, kỹ năng đọc cho lớp trẻ.

Theo ông, để yêu sách, thanh niên phải tìm thấy niềm vui trong trang sách, để từ đó nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển kỹ năng đọc và chuẩn bị tốt hành trang cho tương lai.

Cả 5 diễn giải đều cho rằng việc tạo nên phương pháp đọc sách hiệu quả ở thanh niên là rất cần thiết, phải làm sao để phong trào đọc sách lành mạnh được thúc đẩy mỗi ngày, thông qua thói quen đọc những cuốn sách mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và khoa học.

Mục đích chính của tọa đàm là khẳng định sứ mệnh của văn hóa đọc đối với thanh niên trong chặng đường phát triển nhân loại, hướng lớp trẻ hình thành thói quen đọc sách, để từ đó lan tỏa ra cộng đồng.

Huế Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-nien-voi-van-hoa-doc-post1205140.html