Thanh niên vùng sâu sáng tạo làm giàu
'Cũng bởi nhiều năm thực hiện phương thức độc canh nên khi thất bại là mất hết, tôi quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vừa xen canh vừa tận thu. Không chỉ hỗ trợ thu nhập lẫn nhau mà cách làm này còn giảm thiểu chi phí đầu tư cho các loại cây trồng, vật nuôi' - anh Phạm Văn Võ nhấn mạnh ưu điểm khi lựa chọn mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi.
Vẫn theo đuổi mô hình phát triển kinh tế truyền thống nhưng không bước vào lối mòn cũ, tìm tòi sáng tạo tận dụng nguồn lực, tiềm năng của vùng để phát triển nên mô hình kinh tế của gia đình anh Phạm Văn Võ ở thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đang trở thành địa chỉ tham quan học tập kinh nghiệm thiết thực cho thanh niên trong và ngoài khu vực.
Đa canh trên cùng diện tích
“Mỗi năm đầu tư khoảng 50 triệu đồng phân bón chăm sóc 2 đợt cho cây. Song cũng trong năm có thể thu hoạch chuối 4 đợt, mỗi đợt cắt 700 buồng, mỗi buồng có giá 80 ngàn đồng. Không chỉ thu hoạch trái, thương lái từ thị xã Phước Long còn vào tận vườn mua hoa chuối với giá từ 8-10 ngàn đồng/kg”. Đó là những hiệu quả bước đầu tại vườn cây của hộ anh Phạm Văn Võ trong thời gian dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp.
Anh Võ kể, trước đây hơn 1 ha đất canh tác của gia đình chỉ chuyên canh cây tiêu nhưng do ảnh hưởng của bệnh chết nhanh, chết chậm cùng với giá cả thị trường bấp bênh nên nhiều lần lao đao. Đốn hạ vườn tiêu, chuyển sang trồng cây ăn trái theo phương thức sản xuất hữu cơ là hướng đi lâu dài anh lựa chọn để chinh phục khát vọng làm giàu. Sau khi xem xét mọi phương diện, anh quyết định trồng chuối xen mít Thái, do 2 loại cây trồng này không cần nhiều công chăm sóc như hồ tiêu, chi phí cũng vừa phải.
Không chỉ trồng mít, chuối, anh Võ còn nuôi thêm 11 con bò và đào ao thả cá. Theo anh Võ, đa canh cây trồng, vật nuôi sẽ hạn chế rủi ro bởi khi nguồn thu của cây này giảm sẽ có cây khác bù lại giúp ổn định kinh tế gia đình. Đó là chưa kể các loại phế phẩm từ cây ăn trái cũng chính là nguồn thức ăn sạch cho bò và ngược lại, chất thải của đàn bò sẽ là nguồn phân bón hữu cơ tiết kiệm chi phí chăm sóc và giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Triển vọng từ nuôi dúi
Không chỉ được biết đến là địa chỉ cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch, anh Võ còn là thanh niên dám nghĩ, dám làm khi đầu tư nuôi dúi để nâng cao thu nhập. Đây là mô hình còn khá xa lạ đối với thanh niên nông thôn một vùng chuyên canh cây tiêu và các loại cây công nghiệp lâu năm. Với nguồn vốn ban đầu 100 triệu đồng, tháng 10-2020, anh Võ mua gạch men về xây dựng các dãy chuồng và mua 30 cặp dúi nuôi thử. Dúi ưa bóng tối, sợ ánh sáng và tiếng ồn nên chuồng nuôi dúi luôn được anh Võ đóng kín cửa, thậm chí còn có rèm che.
Những năm gần đây, khởi nghiệp trong thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên có đạo vùng sâu, biên giới đã cho thấy sự khởi sắc. Nhiều thanh niên đã mạnh dạn, quan tâm vấn đề phát triển kinh tế, vận dụng được thế mạnh của địa phương để làm giàu trên chính quê hương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên có đạo phát triển kinh tế, khơi dậy niềm tin khát vọng làm giàu ở họ.
Anh Trần Quang Bình, Bí thư Huyện đoàn Bù Gia Mập
Theo anh Võ, vì dúi rất mẫn cảm nên phải được chăm sóc tỉ mỉ từ thức ăn, nước uống đến cả chất thải của chúng để xác định dúi có khỏe mạnh, phát triển tốt hay không. Khi thấy dúi ăn ít, bỏ ăn hoặc nằm một chỗ phải kiểm tra ngay để kịp thời cho uống thuốc và thay đổi thức ăn nhằm không bị “hao hụt số lượng” đàn.
Với cách chăm sóc, nuôi dưỡng tỉ mỉ, đàn dúi của gia đình anh Võ phát triển khá tốt, tăng đàn nhanh. Đàn tăng tới đâu được anh phân loại vào những ô chuồng khác nhau tới đó. Mỗi chuồng từ 2-3 con theo từng loại sinh sản, thương phẩm, trưởng thành... Từ 30 cặp dúi ban đầu, đến nay ngoài số dúi đã bán giống, trại giống của gia đình anh Võ còn khoảng hơn 120 con. Anh Võ đang tiếp tục nhân giống để cuối năm mở rộng trại, nhằm vừa xuất bán con giống vừa cung cấp lượng thịt thương phẩm cho thị trường. Anh Võ cho rằng, với việc vận dụng sáng tạo, phù hợp điều kiện, nhu cầu của người dân vùng sâu, mô hình nuôi dúi sẽ có cơ hội mang lại thu nhập cao.
Đánh giá về mô hình nuôi dúi của anh Võ, anh Trần Văn Nhuận, Bí thư Đoàn xã Đắk Ơ cho rằng, mô hình không chỉ lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên nông thôn Đắk Ơ mà còn là địa chỉ cho nhiều đơn vị, bạn trẻ tham quan, học hỏi để có thể nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/5/127143/thanh-nien-vung-sau-sang-tao-lam-giau