Thanh niên xung kích ở điểm nóng mưa bão
Trước bão, màu áo xanh tràn ngập những cung đường ở tỉnh Quảng Nam, xắn tay cùng người dân dọn dẹp, chằng chống. Sau bão, những người trẻ tình nguyện ấy cũng xung kích giúp dân làm lại nhà, thông đường…
Ðâu khó có thanh niên
Bão số 9 đi qua, phố phường, làng mạc khắp nơi ngổn ngang. Nhà cửa hư hỏng, tốc mái. Chị Phạm Thị Thanh, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Nam, cho hay, bão số 9 gây thiệt hại nặng nề tại địa phương, nhiều người lâm cảnh trắng tay, cuộc sống khó khăn. Ngay khi bão dứt, hàng ngàn ĐVTN tham gia khắc phục. Các đội thanh niên xung kích của các chi đoàn cơ sở triển khai cấp tốc các phần việc tại địa phương mình. Những nơi thiệt hại quá lớn, lập tức ĐVTN các đơn vị khác được huy động đến hỗ trợ.
Sau bão số 9, tuyến quốc lộ 14B bị ách tắc do nhiều cây đổ, trong khi đây là tuyến đường huyết mạch dẫn lên Nam Trà My - nơi xảy ra nhiều vụ sạt lở vùi lấp hơn 50 người. Việc thông đường lúc này cấp bách hơn bao giờ hết. Ngoài lực lượng thanh niên tại địa phương, hàng trăm ĐVTN Đoàn trường ĐH Quảng Nam và Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật (TP Tam Kỳ) lên để hỗ trợ. Sau 2 ngày, tuyến đường đã được thông suốt. Đội hình thanh niên xung kích tại chỗ ngay lập tức cùng lực lượng quân sự địa phương đào bới bùn đất, cứu sống nhiều người, đồng thời khẩn trương sơ cứu những trường hợp bị thương.
Khu vực hạ du vừa chống bão vừa ngập lụt do lượng nước lớn từ đầu nguồn đổ về, nên đứng trước tình trạng khan hiếm nước sạch. Lực lượng thanh niên lập tức có mặt sẻ chia với người dân, mang từng thùng nước sạch, kéo máy phát điện đến tận nhà hỗ trợ người dân bơm nước giếng, dựng lại nhà. Ông Lê Minh Sơn (tổ 3, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình) không giấu được niềm vui khi đón nhận những thùng nước sạch. “Mưa dứt rồi nhưng đoạn nhà tôi vẫn còn ngập úng, không có nước sạch dùng. Mấy anh em thanh niên xã chở nước sạch đến tận nơi phục vụ bà con thật là đáng quý”, ông nói.
Tại các trường học, bệnh viện, công trình công cộng, các bạn trẻ cũng tham gia dọn dẹp, nhanh chóng khắc phục. Bí thư Đoàn xã Bình Trung (huyện Thăng Bình), anh Nguyễn Tấn Thảo, cho hay: “Chúng tôi đã huy động toàn bộ thanh niên trong xã tham gia thu dọn cây cối ngã đổ để đảm bảo giao thông; giúp đỡ các hộ neo đơn lợp lại mái nhà; sửa chữa những hư hỏng ở Trường Mẫu giáo Bình Trung để các em sớm đi học trở lại”.
Giúp dân dựng nhà sau bão
Ngoài những suất quà sẻ chia với người dân, tuổi trẻ Quảng Nam cũng ra quân giúp dân dựng lại nhà. Ngôi nhà của bà Phạm Thị Ân (ở thôn An Mỹ, xã Tam Lãnh) bị tốc mái, trống hoác, nhiều vật dụng trong nhà cũng bị hư hỏng. Nhìn đống đổ nát ngổn ngang, chưa biết phải bắt đầu công việc từ đâu, bà Ân mừng rơi nước mắt khi được thanh niên địa phương cùng xắn tay dọn dẹp, dựng lại nhà. “Đúng là thanh niên xung kích, ngay lúc người dân đang cần nhất, các bạn trẻ có mặt, hỗ trợ thiết thực khiến tôi xúc động và ấm lòng vô cùng”, bà Ân nói.
Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Phạm Thị Thanh, sắp tới, Tỉnh Đoàn Quảng Nam triển khai kế hoạch lớn tái thiết cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng mưa bão. Tỉnh Đoàn sẽ huy động các nguồn tài trợ cho lực lượng dựng, sửa chữa nhà cho người dân, đồng thời mua sắm vật dụng lương thực, con giống để hỗ trợ phát triển kinh tế, tái thiết cuộc sống sau bão.
Ngày 6/11, theo UBND tỉnh Kon Tum, bão số 9 và mưa lũ đã gây thiệt hại trên địa bàn khoảng 386 tỷ đồng. Tỉnh Ðoàn Kon Tum đã tổ chức thăm và tặng 300 suất quà (mì tôm, dầu ăn, nước mắm, đường, bột ngọt, sữa...) cho người dân xã Ðắk Pne và xã Ðắk Ruồng, huyện Kon Rẫy. Thành Ðoàn Kon Tum phối hợp Huyện Ðoàn Tu Mơ Rông thông qua chương trình “Tình nguyện mùa Ðông 2020” tặng 150 suất quà (mỗi suất trị giá 350.000 đồng) cho các hộ dân bị thiệt hại nặng; tặng 20 suất học bổng cho các học sinh hoàn cảnh khó khăn (500.000 đồng/suất).
Huyện Ðoàn Kon Plông cũng đã thành lập 9 đội hình thanh niên xung kích phòng chống lụt bão tại địa bàn. Các đội thanh niên xung kích sẽ dọn dẹp các tuyến đường bị sạt lở; giúp các gia đình neo đơn, gia đình chính sách sửa lại nhà cửa, đồng thời khơi thông cống rãnh, kênh mương, thu gom rác…