Thanh niên Yên Bái với sứ mệnh khởi nghiệp

Chiếm gần 22% dân số và gần 38% lực lượng lao động trong toàn tỉnh, thời gian qua, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, phát triển các ngành nghề, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Anh Hoàng Văn Khương ở thôn Bến Muỗm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên (bên phải) giới thiệu các tác phẩm điêu khắc đá mỹ nghệ.

Anh Hoàng Văn Khương ở thôn Bến Muỗm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên (bên phải) giới thiệu các tác phẩm điêu khắc đá mỹ nghệ.

Những hành trình truyền cảm hứng

Là người con của vùng đất Ngọc Lục Yên, từ nhỏ, anh Hoàng Văn Khương ở thôn Bến Muỗm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên đã có niềm đam mê với những sản phẩm đá quý. Bởi vậy, khi trưởng thành, đứng trước sự lựa chọn của rất nhiều ngành, nghề, những trăn trở về tương lai, anh đã quyết định chọn nghề mà mình yêu thích, đó là điêu khắc đá mỹ nghệ.

Có mặt tại cơ sở sản xuất của gia đình anh Khương, được ngắm nhìn các sản phẩm đá điêu khắc mỹ nghệ đa dạng về chủng loại, mẫu mã, màu sắc rất đẹp mắt, ít ai biết rằng, đằng sau những tác phẩm nghệ thuật đó là bao giọt mồ hôi, công sức và cả tình yêu, niềm đam mê, óc sáng tạo của người làm nghề trong đó.

Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh xưởng, xen lẫn tiếng máy khoan, máy đục ồn ào, bụi bặm là tiếng trò chuyện, trao đổi công việc rất vui vẻ của những người thợ.

Gạt vội những giọt mồ hôi chảy dài trên má và lớp bụi bám đầy trên áo, anh Khương cho biết: "Dấn thân vào nghề này là phải thực sự chuyên tâm. Để biến những khối đá vô tri, sần sùi trở nên có hồn, có tính thẩm mỹ cao thì người thợ phải có năng khiếu, con mắt thẩm mỹ và chịu khó trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, không ngừng sáng tạo, tìm tòi học hỏi. Nghề này vất vả, công phu là vậy nhưng mỗi khi hoàn thành xong một tác phẩm là người thợ nào cũng cảm thấy vui và hạnh phúc”.

Sau gần 10 năm gắn bó với nghề, đến nay, anh Hoàng Văn Khương đã gặt hái được những thành công ban đầu. Những sản phẩm do anh tạo ra được thị trường ưa chuộng bởi giá cả hợp lý, có tính thẩm mỹ cao và cả sự độc đáo, mới lạ.

Hiện tại, những sản phẩm điêu khắc của gia đình anh đã xuất bán đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh ở khu vực phía Nam, đem về cho gia đình anh nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.

Biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đó cũng là bí quyết để đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Trần Mạnh Tiến ở thôn 5, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên tìm ra được con đường khởi nghiệp cho riêng mình.

Đào Thịnh là xã có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây dược liệu, đặc biệt là cây khôi nhung. Do đó, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, năm 2021, Trần Mạnh Tiến đã mạnh dạn về tỉnh Hòa Bình mua hơn 10 vạn cành cây giống.

Nhờ chăm chỉ nghiên cứu, tìm hiểu về quy trình trồng và chăm sóc cây nên ngay từ những ngày đầu xây dựng, vườn ươm cây giống của Tiến đã phát triển xanh tốt, đảm bảo các điều kiện để xuất bán ra thị trường.

Hiện tại, Trần Mạnh Tiến đã mở rộng vườn ươm lên hơn 100 m2. ĐVTN Trần Mạnh Tiến tâm sự: "Lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương là điều ai cũng mong muốn thực hiện. Bản thân tôi, từ nhỏ đã gắn bó với nghề làm nông, trồng rừng nên khi bắt tay vào làm nghề cây giống cũng có nhiều thuận lợi. Tôi hy vọng, thời gian tới, nghề trồng cây dược liệu sẽ ngày càng phát triển để các hộ nông dân có thêm thu nhập và tạo ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương”.

Cùng với Hoàng Văn Khương, Trần Mạnh Tiến, hiện nay, rất nhiều những bạn trẻ khác cũng đã và đang có những bước đi vững chắc trên con đường khởi nghiệp dù có thể bắt đầu từ những công việc rất đơn giản như: chăn nuôi gà, lợn; trồng cây ăn quả; sản xuất đồ thổ cẩm; làm du lịch cộng đồng…

Mỗi ý tưởng, mỗi bước đi trên hành trình phía trước có thể còn nhiều chông gai, thử thách nhưng họ đã dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu để từng bước khẳng định mình và truyền cảm hứng cho cộng đồng, xã hội. Đó là điều rất đáng trân trọng cần được cổ vũ, động viên để ngày càng có nhiều thanh niên tự tin hơn trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Đồng hành cùng phát triển

Xác định đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn, thời gian qua, nhằm từng bước hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên; đồng thời, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho ĐVTN khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đã triển khai sâu rộng Đề án "Hỗ trợ, phát triển phong trào thanh niên Yên Bái khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025” và Cuộc thi "Ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp tỉnh Yên Bái” hàng năm tại các cơ sở đoàn. Qua đó, giúp đông đảo ĐVTN mạnh dạn triển khai những ý tưởng của mình.

Đồng chí Hà Đức Hải - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: "Hiện tại, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã vận động ĐVTN thành lập mới được trên 200 tổ hợp tác, 30 hợp tác xã, 30 doanh nghiệp; thông qua nguồn vốn ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Đoàn Thanh niên quản lý đã giúp đỡ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế với tổng dư nợ ủy thác ước đạt 853 tỷ đồng; tổ chức đoàn quản lý 428 tổ tiết kiệm và vay vốn với 14.760 hộ vay. Quản lý, cho vay nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn hơn 1,1 tỷ đồng với 20 dự án của thanh niên…”.

Các mô hình khởi nghiệp phát triển kinh tế của thanh niên đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ hàng hóa. Nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; xây dựng, phát triển thành những hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả được triển khai nhân rộng.

Đặc biệt, có những mô của thanh niên là những bạn trẻ vùng dân tộc thiểu số, tuy điều kiện hết sức khó khăn nhưng bằng ý chí và nghị lực đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, điển hình như: Giám đốc trẻ Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải Giàng A Dê với mô hình du lịch cộng đồng cho thu nhập ổn định 30 triệu đồng/tháng; Giám đốc Công ty TNHH Hmông 4S Việt Nam của Lảo A Củ đưa trang phục người Mông trở thành mặt hàng kinh doanh hay như Sùng A Dâu ở thôn Làng Ca, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn mạnh dạn đầu tư trồng ổi, mít thái, cây sa nhân và quế với diện tích hàng chục héc-ta; Giàng A Thành ở bản Dào Xa, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải đầu tư trồng hoa địa lan trần mộng, thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm…

Để có được kết quả đáng mừng này, bên cạnh việc nỗ lực phấn đấu cũng như tinh thần sáng tạo của mỗi ĐVTN còn có sự đóng góp rất lớn của các tổ chức đoàn và ngành chức năng trong việc hỗ trợ kỹ thuật, trang bị kiến thức thực tế cho các ĐVTN.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Tỉnh đoàn Yên Bái đã phối hợp với các tổ chức liên quan định hướng nghề nghiệp miễn phí cho hàng nghìn lượt ĐVTN; tổ chức rộng rãi các hoạt động hướng nghiệp cho thanh niên, nhất là ở khu vực nông thôn, giúp thanh niên có nhận thức, hiểu biết về thị trường lao động, nghề nghiệp...

Để tiếp tục đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tạo cơ chế, nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp; phối hợp tổ chức nâng cao năng lực, phương pháp hỗ trợ thanh niên về khởi nghiệp cho ĐVTN; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giúp cán bộ Đoàn chủ động trong việc tiếp cận các thông tin về nguồn lực, giải pháp mới thúc đẩy phong trào khởi nghiệp; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh, thành đoàn về các cách làm hiệu quả thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp.

Hồng Oanh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/302911/thanh-nien-yen-bai-voi-su-menh-khoi-nghiep.aspx