Thanh Oai: Hướng đến xây dựng quận xanh, sinh thái gắn với lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống
Đây là hướng đi được UBND huyện Thanh Oai đặt ra thảo luận tại Tọa đàm 'Định hướng phát triển huyện Thanh Oai theo hướng quận xanh, sinh thái' giữa huyện Thanh Oai và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội ngày 13/11.
Chương trình nhằm phục vụ xây dựng Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Khóa XXIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Oai lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2025-2030.
Đến năm 2045, người dân trên địa bàn huyện Thanh Oai có chất lượng cuộc sống cao
Theo quy hoạch của thành phố Hà Nội, huyện Thanh Oai là vành đai xanh của Thủ đô. Huyện đang tổ chức lập quy hoạch vùng huyện. Trong đó, tập trung quy hoạch các khu đô thị, trung tâm hành chính, kho bãi, logistic với lợi thế là huyện cửa ngõ Thủ đô với sự kết nối giao thông thuận lợi như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đường trục kinh tế huyện, QL21B mở rộng kết nối, liên kết vùng thuận lợi đem lại lợi thế nhất định cho địa phương.
Đề cập về định hướng phát triển của huyện, Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng cho biết: Từ nay đến năm 2030, huyện tập trung phát triển theo hướng quận xanh, sinh thái; phát triển hài hòa đô thị và nông thôn theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân; tập trung phát triển đô thị theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, hiện đại; tăng cường liên kết không gian đô thị và nông thôn ràng buộc trên góc độ sinh thái tự nhiên. Huyện cũng xây dựng các khu vực nông thôn tiệm cận với tiêu chí của đô thị, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, mô hình nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp trải nghiệm.
Đến năm 2045, người dân trên địa bàn có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; Thanh Oai là quận xanh, sinh thái thu hút, phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. Để thực hiện được mục tiêu này Chủ tịch Bùi Văn Sáng cho rằng: ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học với kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm của mình dành thời gian nghiên cứu, gợi ý, ý tưởng giúp huyện Thanh Oai góp phần quan trọng giúp Thanh Oai từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành quận xanh, sinh thái của Thủ đô.
Cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù
Tại buổi Tọa đàm các chuyên gia, đại biểu nhấn mạnh dù có nhiều thuận lợi song việc thực hiện khát vọng xây dựng Thanh Oai trở thành quận sinh thái sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên nếu có sự hỗ trợ từ Trung ương, Thành phố cùng sự quyết tâm cao từ địa phương chắc chắn Thanh Oai sẽ thực hiện được khát vọng xây dựng quận sinh thái, người dân sinh sống có được cuộc sống đáng mơ ước.
Đề cập về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, định hướng phát triển Thanh Oai trở thành quận xanh, sinh thái là rất đúng đắn. Lựa chọn này là thông minh và đúng với xu thế của thời đại, của đất nước. Thuận lợi lớn nhất của Thanh Oai đó là huyện xây dựng, phát triển từ huyện lên quận xanh, sinh thái mới hoàn toàn chứ không phải từ chuyển đổi từ quận bình thường sang quận xanh. Tuy nhiên PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, để thực hiện khát vọng trên, Thanh Oai cần định hình rõ mục tiêu, hình thái quận trong tương lai đó là xanh, sinh thái và xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, không gian; vi mô hơn là “xanh” trong công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, dịch vụ - thương mại… Tiếp đến là huyện cần có điều kiện để đạt được mục tiêu, bao gồm nguồn lực và cơ chế, chính sách. Đây là yếu tố quan trọng nhất để thực thi, cụ thể hóa các nhiệm vụ để đạt được mục tiêu.
Huyện cần xác định rõ những ưu tiên trong 5 năm tới để có giải pháp cụ thể. Những ưu tiên này phải được xác thực rõ ràng, tránh chung chung, để đề xuất cơ chế, chính sách với thành phố Hà Nội và Trung ương dành cho huyện, với tâm thế huyện xây dựng thành quận “xanh” hình mẫu của Thủ đô và cả nước.
“Để chuyển đổi từ huyện thành quận xanh, sinh thái đòi hỏi nguồn lực, chi phí lớn và thời gian nên Thanh Oai rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ quyết liệt của Trung ương và thành phố trong bối cảnh nguồn lực của huyện còn thiếu và yếu” - PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá.
Về vấn đề gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận cho rằng: Thanh Oai cần lựa chọn các giải pháp tạo không gian cảnh quan làng xã xanh - sạch - đẹp, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống làng xã. Đối với các xã ven đô, chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đồng thời, tạo lập không gian gắn kết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng hình ảnh nông thôn đa dạng và có đặc trưng riêng. Làm được những việc này sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai mà vẫn giữ được hình ảnh nông thôn truyền thống, giàu bản sắc.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Bùi Văn Sáng cũng cho rằng: Hướng đi mới của Thanh Oai đích đến là xây dựng quận sinh thái với hạ tầng cơ sở đồng bộ, hiện đại song phát triển sẽ song hành với lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Tức là phát triển kinh tế dựa trên giá trị văn hóa truyền thống để từ đó người dân sống khỏe chính trên mảnh đất quê hương mình. Có như vậy đời sống người dân mới được nâng cao, phát triển bền vững.
“Lãnh đạo huyện quyết liệt, sát sao chỉ đạo đơn vị chuyên môn thận trọng, kỹ lưỡng, bài bản lập quy hoạch, cùng với tiếp thu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo TP và doanh nghiệp nhiều hoạt động kinh nghiệm trong lĩnh vực đô thị về những tiêu chí quận sinh thái, đô thị xanh kiểu mẫu”, Chủ tịch Bùi Văn Sáng nhấn mạnh.
Từ thực tế khảo sát, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, các chuyên gia trường Đại học Xây dựng cũng đưa ra những nhận định và khuyến nghị giải pháp với định hướng phát triển của huyện Thanh Oai.
Theo TS Phạm Duy Đông, Thanh Oai đang gặp không ít thách thức trong việc xây dựng bộ tiêu chí môi trường định hướng quận xanh, sinh thái. Đó là, hiện tại vẫn thiếu các hướng dẫn, tiêu chí xanh, sinh thái cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam; thiếu hệ thống các tiêu chí và tiêu chuẩn mang tính thống nhất để làm cơ sở đánh giá; huyện kết hợp 2 mục tiêu xanh và sinh thái nên khó khăn trong việc áp dụng tổ hợp 2 mục tiêu khi tham khảo các phương pháp tính toán của thế giới. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng điều kiện thực tại của huyện để đề xuất bộ tiêu chí tiệm cận với phương pháp hướng dẫn của các quốc gia khác nhưng vẫn nêu bật thế mạnh và bản sắc của Thanh Oai. ThS.KTS Nguyễn Thanh Tú cho rằng, các tiêu chí về chất lượng môi trường cần được huyện Thanh Oai đặt lên hàng đầu. Trong đó, chú trọng kiểm soát hoạt động xả thải cũng như chất lượng môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó là các tiêu chí về nhận diện và bảo tồn các công trình, không gian di sản văn hóa truyền thống có giá trị, ý nghĩa với cộng đồng. Huyện cũng cần bổ sung các tiêu chí về nông nghiệp đô thị; tiêu chí duy trì hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học của cây xanh cảnh quan. Đặc biệt là tiêu chí gìn giữ, kế thừa và phát huy không gian, cảnh quan tự nhiên, tổ hợp kiến trúc, cảnh quan làng nghề… nhằm tránh tình trạng đô thị hóa hiện đại nhưng rập khuôn, thiếu bản sắc.