Thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại tòa án được quy định như thế nào?

Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng ở xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại tòa án được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 25 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Cụ thể như sau:

1. Thành phần phiên hòa giải, đối thoại gồm có:

a) Hòa giải viên;

b) Các bên, người đại diện, người phiên dịch;

c) Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết.

2. Các bên có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại; đồng thời phải thông báo bằng văn bản về họ, tên, địa chỉ của người đại diện cho bên kia và hòa giải viên biết. Đối với hòa giải việc ly hôn, các bên trong quan hệ vợ, chồng phải trực tiếp tham gia hòa giải.

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện của các bên được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự.

3. Người bị kiện trong khiếu kiện hành chính có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia đối thoại. Người đại diện theo ủy quyền phải có đầy đủ thẩm quyền để giải quyết khiếu kiện.

* Bạn đọc Đoàn Thu Thủy ở xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, hành vi vi phạm quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 15 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không gửi thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan quản lý nhà nước theo quy định;

b) Không trả chi phí cho việc thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gửi và công bố thỏa ước lao động tập thể;

c) Không công bố nội dung của thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết cho người lao động biết.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khi tập thể lao động yêu cầu để tiến hành thương lượng tập thể;

b) Không tiến hành thương lượng tập thể để ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể khi nhận được yêu cầu của bên yêu cầu thương lượng.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động thực hiện nội dung thỏa ước lao động tập thể đã bị tuyên bố vô hiệu.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thanh-phan-phien-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-714659