Thành phố chuyển hướng sản xuất sang nông nghiệp sạch, hữu cơ

Cùng với chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, thời gian qua, thành phố Sơn La đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, tập trung chỉ đạo phát triển các loại cây trồng chủ lực, đặc biệt là các loại cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo bền vững.

Thành phố định hướng phát triển vùng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, gồm: trồng mận, cam, quýt tại các xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ gắn với du lịch trải nghiệm; phát triển trồng nhãn, xoài tại các xã Chiềng Ngần, Hua La... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm quả chủ lực trên thị trường. Đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ nông dân thực hiện chăm sóc, phát triển các vườn cây ăn quả thông qua việc triển khai thí điểm một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt trên địa bàn.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố hướng dẫn người dân xã Chiềng Đen chăm sóc mận.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố hướng dẫn người dân xã Chiềng Đen chăm sóc mận.

Từ năm 2016, gia đình ông Lèo Văn Dũng, bản Nong Lọ, xã Chiềng Đen bắt đầu trồng mận tam hoa với diện tích 1 ha. Thời điểm đó, cây mận của gia đình chủ yếu phát triển tự nhiên nên hay bị sâu bệnh, quả nhỏ. Đến năm 2021, theo định hướng của xã, gia đình ông đăng ký tham gia mô hình thâm canh, cải tạo mận theo hướng hữu cơ. Ông Dũng cho biết: Sau khi tham gia mô hình cải tạo, chăm sóc mận theo hướng hữu cơ, tôi được hướng dẫn kỹ thuật đốn tỉa cành, hạ tán hiệu quả nhằm điều chỉnh sinh trưởng, tạo độ thông thoáng, đủ ánh sáng để cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh; thực hiện chuyển đổi sang sử dụng các loại phân hữu cơ để bón cho mận. Nhờ vậy đến nay, đa số diện tích mận sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao. Dự kiến vụ mận năm nay sẽ cho thu khoảng trên 20 tấn quả, cao gấp 1,5 lần so với khi chưa thực hiện cải tạo.

Còn tại xã Chiềng Cọ, với tổng diện tích trên 10 ha, cây quýt được coi là loại cây trồng bản địa đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, năng suất và chất lượng quýt không ổn định do người dân chưa chú trọng cải tạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, giống bị thoái hóa nên ít trái, quả chua và khô. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố đã phối hợp với xã Chiềng Cọ triển khai thí điểm mô hình thâm canh cải tạo 1 ha quýt tại bản Ngoại, bước đầu cho kết quả khả quan.

Ông Tòng Văn Thành, bản Ngoại, xã Chiềng Cọ, chia sẻ: Được cán bộ khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật, tôi bắt đầu cải tạo vườn, tác động bằng các biện pháp, trong đó chú trọng việc bón phân hữu cơ đúng kỹ thuật, cắt tỉa đúng thời kỳ nên quýt mọng nước, quả to hơn, cho sản lượng cao, đạt 30 kg/cây (cao gấp 3 lần so với chưa cải tạo). Niên vụ vừa qua, gia đình thu trung bình 6 - 7 tấn quýt, giá từ 20-30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Mô hình thâm canh, cải tạo mận Chiềng Đen và quýt Chiềng Cọ là 2 trong 3 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP được Thành phố xây dựng làm điểm năm 2021. Các mô hình được thí điểm tại 3 xã là Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Ngần với diện tích 4 ha, tổng kinh phí thực hiện trên 400 triệu đồng đối với các loại cây ăn quả gồm mận tam hoa, quýt và xoài. Triển khai thực hiện các mô hình, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố đã phối hợp với các xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, hữu cơ; hỗ trợ một phần kinh phí về giống, vật tư, phân bón cho các hộ. Đồng thời, phối hợp với Viện Rau quả Trung ương hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cải tạo, thâm canh tại các mô hình; chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các hộ thu hoạch, cách cắt tỉa, tạo tán, sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh; chú trọng hướng dẫn người dân dùng túi bao trái đối với diện tích xoài để phòng bệnh thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như trước đây.

Bà Tòng Thị Bó, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, cho biết: Mô hình thâm canh, cải tạo cây quýt theo hướng hữu cơ thực hiện tại xã đã làm thay đổi tư duy của bà con. Bà con đã bắt đầu học tập, làm theo, chuyển hướng sang trồng theo quy trình an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng theo hướng hữu cơ và đưa sản phẩm quýt bản địa Chiềng Cọ tham gia OCOP để xây dựng thương hiệu gắn với du lịch trải nghiệm, qua đó tăng thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.

Mô hình quýt Chiềng Cọ sau khi được cải tạo.

Mô hình quýt Chiềng Cọ sau khi được cải tạo.

Đánh giá hiệu quả bước đầu triển khai mô hình, ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố, cho biết: Qua theo dõi về năng suất, các vườn cây ăn quả thực hiện theo mô hình hướng hữu cơ, VietGAP đạt năng suất cao hơn các vườn ngoài mô hình. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho sản xuất trong mô hình thấp hơn bởi các hộ kiểm soát được sâu bệnh ngay từ đầu vụ, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm số lượng công lao động. Mặt khác, giá trị sản phẩm cao hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng.

Hiện, diện tích cây ăn quả trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP trên địa bàn Thành phố còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Thành phố đang tiếp tục tuyên truyền, vận động để làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân từ sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, quy trình thực hành nông nghiệp tốt; xây dựng thêm các mô hình điểm, tiêu biểu trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để từ đó nhân rộng; lựa chọn và chuyển giao các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt và biện pháp kỹ thuật thâm canh mới có hiệu quả vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thanh-pho-chuyen-huong-san-xuat-sang-nong-nghiep-sach-huu-co-49057