Thành phố Hà Nội: 'Điểm sáng' trong thanh toán không dùng tiền mặt
Với những bước đi và lộ trình phù hợp, đến nay chuyển đổi số của Thành phố Hà Nội đã đạt những kết quả quan trọng. Trong đó, kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh, nhất là lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt...
Chị Nguyễn Lan Phương (phố chùa Láng, Hà Nội) chia sẻ, nhờ chuyển đổi số, giờ đây chị có thể chủ động thanh toán các hóa đơn điện nước qua app ngân hàng và không cần phải giấy tờ nộp tiền như trước. Không chỉ vậy, qua các app này, chị có thể dễ dàng tra lại lịch sử giao dịch, rất tiện lợi.
Thay đổi hành vi tiêu dùng
Cũng theo chị Phương, hiện nay tại các chợ dân sinh, các cửa hàng tạp hóa nơi chị sinh sống đều được trang bị mã QR code, không cần dùng tiền mặt, không cần thẻ, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể trả tiền trong phút chốc.
“Bây giờ đi mua sắm mang tiền mặt lại thấy bất tiện, bởi thói quen thanh toán qua chuyển khoản đã được hình thành”, chị Phương nói.
Trong khi đó, chị Thùy Trang (Minh Khai) lại có những trải nghiệm khác về mua sắm online. Chị cho biết, từ ngày có các sàn thương mại điện tử (TMĐT), chị không còn phải tranh thủ giờ nghỉ trưa hay cuối tuần đi đến từng cửa hàng mua quần áo hay đồ dùng như trước nữa. Mọi giao dịch đều trở nên thông minh hơn, tiết kiệm thời gian, công sức, giao hàng tận nơi, so sánh giá cả dễ dàng, đa dạng sự lựa chọn…
“Với một cái chạm tay hay một cú nhấp chuột là có thể mua được món hàng yêu thích từ nơi cách mình cả nghìn cây số, đặt vé máy bay, vé tàu hỏa, ô tô, đặt phòng khách sạn cũng rất thuận tiện”, chị Trang nói.
Anh Thanh Giang (quận Ba Đình) chia sẻ: "Tôi rất ít khi sử dụng tiền mặt khi mua hàng online. Hoặc tôi trả tiền trước qua thẻ, hoặc là quét mã QR khi shipper đến, rất nhanh chóng và tiện lợi".
Có thể thấy, vài năm trở lại đây, xu hướng thanh toán KDTM của người dân Thủ đô ngày càng gia tăng, nhất là từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Người tiêu dùng đã chuyển dần từ hình thức mua sắm truyền thống sang mua sắm online.
Với việc cung cấp công nghệ từ các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán, sàn TMĐT và hệ thống giao nhận… năm 2020 và 2021 đã có hàng chục triệu lượt người tiêu dùng trải nghiệm, mua sắm tại những điểm khuyến mại, địa điểm thanh toán KDTM. Nói cách khác, TMĐT đã tạo ra một cuộc cách mạng trong mua bán chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối mạng.
Tạo cuộc cách mạng mua bán
Theo tìm hiểu của VnBusiness, việc thanh toán KDTM được nhân rộng ở khắp nơi và trong mọi lĩnh vực trên địa bàn Thành phố. Điển hình, trên địa bàn quận Long Biên, mô hình “Chợ 4.0 - chợ KDTM” được triển khai tại chợ Thượng Thanh mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Mô hình cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn của tiểu thương tại chợ Thượng Thanh.
“Thanh toán KDTM mặt thuận lợi cho người mua và bán thì không có lý do gì không dùng. Hơn nữa chúng tôi cũng không mất công sức hay gặp khó khăn trong quá trình tạo mã QR vì đã được cán bộ chính quyền hỗ trợ. Đây là hoạt động thực sự hữu ích”, một chủ tiệm tạp hóa tại chợ Thượng Thanh cho biết.
Một trong những ưu điểm của việc thanh toán KDTM là tính an toàn, tiện lợi. Tuy nhiên, thực tế việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng đối mặt với một số rủi ro như lỗi kỹ thuật, tội phạm mạng.
Bên cạnh đó, một lượng lớn khách hàng vẫn chưa sẵn sàng để tiếp cận hình thức thanh toán này. Hơn nữa, phần lớn người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt do có nhiều khoản chi tiêu hằng ngày tại nhiều địa điểm, nên sẽ bất tiện khi phải sử dụng các phương tiện thanh toán khác nhau…
Về phía doanh nghiệp, theo ghi nhận vẫn còn không ít công ty ngại sử dụng hình thức này dù biết rằng thanh toán KDTM mang lại nhiều lợi ích. Bởi các doanh nghiệp phải trả phí thanh toán qua POS đã khiến cho họ không mấy mặn mà với hình thức thanh toán này. Ngoài ra, còn một bộ phận doanh nghiệp, người kinh doanh nhỏ ngại sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại, bởi làm như vậy sẽ buộc phải minh bạch, không giấu được doanh thu…
Đánh giá về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) thời gian qua, ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh Toán, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, chưa bao giờ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Người tiêu dùng có thể thấy tại siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh, thậm chí là cả quán trà đá vỉa hè... đều thấy thanh toán không dùng tiền mặt. Việc người dân đã quen với việc sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại còn được thể hiện ở việc nhiều ngân hàng có tỉ lệ trên 90% giao dịch trên kênh số.
“Các phương thức thanh toán KDTM không chỉ giúp người dân đảm bảo an toàn mà còn có kế hoạch kinh doanh, chi tiêu trong quản lý tài chính hiệu quả hơn", ông Tuấn cho hay.
Thúc đẩy thanh toán KDTM
Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã yêu cầu tăng cường hoàn thiện cả về kỹ thuật, rà soát quy định để giúp bảo đảm an toàn hơn cho việc thanh toán KDTM. UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2912/UBND-KT về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TMĐT, thanh toán KDTM và thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công, thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử và kinh tế số trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các hoạt động của mình. Đại diện Sở Công Thương Hà Nội thông tin, Thành phố đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và tổ chức cá nhân doanh nghiệp hiểu rõ tác dụng của thanh toán không tiền mặt; hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa lên các sàn TMĐT để kết nối vừa bán trên thị trường nội địa, vừa xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Sở còn kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức một cách bài bản và toàn diện các chương trình nhằm phát triển TMĐT trên địa bàn Thành phố.
Thực tế, có rất nhiều hoạt động được Thành phố triển khai như: “Chương trình khuyến mại tập trung Thành phố Hà Nội” (trong đó có các hoạt động như ngày vàng khuyến mại, sự kiện online xuống phố, ngày hội tiêu dùng 4.0, Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale,...), sự kiện ngày KDTM, hội thảo TMĐT xuyên biên giới, đẩy mạnh thanh toán KDTM để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch COVID-19…
Không chỉ vậy, Sở Công Thương Hà Nội còn triển khai vận hành có hiệu quả website bản đồ mua sắm Thành phố Hà Nội. Theo đó, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận các địa điểm mua sắm, tiêu dùng hoặc máy bán hàng tự động được đặt rải rác trên địa bàn, giúp nâng cao trải nghiệm và hoạt động mua sắm của người dân.
Nhờ việc triển khai có hiệu quả các kế hoạch và chương trình hoạt động đã giúp Hà Nội trong nhiều năm giữ vững hạng 2 so với cả nước về chỉ số TMĐT (EBI). Đồng thời, tỷ lệ thanh toán KDTM trong TMĐT đạt 45%, lượng giao dịch mua hàng trực tuyến trên các website, ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử đạt 65%.
Tại Hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội" thuộc chương trình "Ngày không tiền mặt năm 2023" vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, thanh toán KDTM ngày càng trở nên phổ biến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến những người lao động tự do; từ hoạt động thương mại đến dịch vụ công; từ thành phố đến nông thôn,… Tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh hơn với một xã hội số trong tương lai.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế của thời đại.
Trong bối cảnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT. Đồng thời, Thành phố cũng thực hiện duy trì 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc; Duy trì việc khai thuế, nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp đạt trên 98%, tăng lượng khách hàng thanh toán hóa đơn tiền nước trực tuyến lên 98%, tỷ lệ thanh toán tiền điện kinh doanh thương mại đạt trên 99,7%...