Thành phố Hà Nội: Quan tâm, hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hà Nội xác định cơ cấu lại chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm với các đối tượng nuôi chủ lực.

Theo Bộ NN&PTNT, chiến lược phát triển chăn nuôi được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2008 đến nay đã góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật và phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ và nguồn nhân lực, đưa chăn nuôi Việt Nam phát triển và từng bước hội nhập.

Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2030, dân số nước ta sẽ đạt gần 107 triệu người, mức thu nhập trên 10.000 USD và ít nhất 50 triệu khách du lịch quốc tế. Đây là thị trường lớn về sức tiêu dùng thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, chăn nuôi cần phải thay đổi nhanh để thích ứng với tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của dịch bệnh và sự thay đổi ngày một lớn của khoa học công nghệ.

Chính vì vậy, sau khi kết thúc chiến lược 2018-2020, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Chính phủ xây dựng chiến lược mới cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040 để xác định lại vị thế của ngành hàng này.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu: “Hà Nội đang xây dựng hàng chục chính sách đặc thù cho phát triển chăn nuôi”. Ảnh tư liệu

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu: “Hà Nội đang xây dựng hàng chục chính sách đặc thù cho phát triển chăn nuôi”. Ảnh tư liệu

Theo đó, mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, mức tăng trưởng giá trị sản xuất đạt trung bình từ 4 - 5%/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt từ 3-4%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5-5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6-6,5 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, 20-25% thịt và trứng gia cầm.

Sản lượng trứng, sữa đến năm 2025 đạt từ 18-19 tỷ quả trứng và từ 1,7-1,8 triệu tấn sữa, đến năm 2030 đạt khoảng 30 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25-30% vào năm 2025, từ 40-50% vào năm 2030.

Tầm nhìn đến năm 2040, phấn đấu 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.

Phát biểu tại hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 do Bộ NN&PTNT tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, hiện nay, tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản của Hà Nội chiếm trên 60% giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó, riêng chăn nuôi chiếm 53%.

TP Hà Nội đã hình thành được 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 5.351 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ ngoài khu dân cư. Hàng năm sản xuất trên 55.000 con bê giống các loại, gần 4 triệu con lợn giống và trên 100 triệu con gia cầm, thủy cầm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, dù đã có những bước chuyển mạnh mẽ, tuy nhiên, lĩnh vực chăn nuôi của Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Hà Nội xác định cơ cấu lại chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm với các đối tượng nuôi chủ lực. Cơ cấu lại giống và nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi, đưa sản xuất con giống là sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi.

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ tổ chức cơ cấu lại phương thức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, cơ cấu lại hệ thống giết mổ, sơ chế sản phẩm gia súc, gia cầm. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, TP và tổ chức quốc tế để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi…

Để đạt được các mục tiêu phát triển chăn nuôi trong giai đoạn tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết, Hà Nội đang tập trung xây dựng một loạt “chính sách đặc thù” nhằm thúc đẩy chăn nuôi phát triển và đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Theo đó, sẽ chú trọng hỗ trợ mua giống gia súc, gia cầm nhập ngoại có năng suất, chất lượng cao, hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động hệ thống thú y cơ sở.

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí xét nghiệm một lần cho xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Hỗ trợ chế phẩm sinh học sát khuẩn, khử mùi, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Minh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thanh-pho-ha-noi-quan-tam-ho-tro-phat-trien-nganh-chan-nuoi-212194.html