Vì sao lãnh đạo Fideco mua 'chui' cổ phiếu khi kinh doanh còn bết bát?

Trong khi tình hình kinh doanh còn bết bát, lãnh đạo và người có liên quan của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TPHCM (Fideco, HoSE: FDC) lại đi giao dịch 'chui' hàng triệu cổ phiếu.

Lãnh đạo giao dịch "chui" cổ phiếu

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Hồ Anh Tuấn (Thành viên HĐQT Fideco); ông Lê Thái Thành (Thành viên HĐQT Fideco) và bà Lê Ngân Nhi người có liên quan đến ông Lê Thái Thành.

Theo đó, ông Hồ Anh Tuấn bị xử phạt 370 triệu đồng do đã mua 1,85 triệu cổ phiếu FDC vào ngày 7/6/2024 nhưng không đăng ký và báo cáo kết quả giao dịch.

Tương tự, UBCKNN đã xử phạt tiền 100 triệu đồng đối với ông Lê Thái Thành vì đã mua 686.271 cổ phiếu FDC vào ngày 11/6/2024 và 220.000 cổ phiếu FDC vào ngày 7/6/2024 nhưng không báo cáo cơ quan quản lý.

Ngoài ra, người có liên quan ông Lê Thái Thành là bà Lê Ngân Nhi bị xử phạt 270 triệu đồng vì đã mua 1,35 triệu cổ phiếu FDC vào ngày 11/6/2024 nhưng không đăng ký và báo cáo với cơ quan quản lý.

UBCKNN cũng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 4 tháng đối với ông Tuấn và bà Nhi.

Như vậy UBCKNN đã xử phạt hành chính đối với 3 người có liên quan đến công ty FDC tổng cộng 740 triệu đồng.

Được biết, ông Hồ Anh Tuấn vừa mới nhận thêm nhiệm vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật FDC thay cho ông Tạ Chí Cường từ hồi tháng 4/2024. Ông Tuấn còn làm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Dịch vụ và Thương mại ATP; Thành viên HĐQT Công ty TNHH Kangsung Vina.

Còn theo báo cáo tình hình quản trị năm 2023, ông Lê Thái Thành đang làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Quản lý và Phát triển Bất động sản Thái Nam; Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn ASI; Thành viên HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Bất động sản Kim Nhật Thành; Chủ tịch HĐQT CTCP Thang máy Thái Nam.

Cổ phiếu FDC bị HOSE đưa vào diện chứng khoán bị cảnh báo từ ngày 5/4/2023

Cổ phiếu FDC bị HOSE đưa vào diện chứng khoán bị cảnh báo từ ngày 5/4/2023

Cổ phiếu biến động bất thường, lỗ lũy kế hàng trăm tỷ

Cổ phiếu FDC gần đây có những giao dịch khá bất thường, khi thanh khoản tăng mạnh lên hàng triệu cổ phiếu vào tháng 6, sau đó sụt giảm từ cuối tháng 6 đến nay. Thậm chí nhiều phiên liên tục không phát sinh giao dịch nhưng vào ngày 11/7 vừa qua cổ phiếu này đã bật trần và đóng cửa phiên ngày 12/7 tại mức 17.500 đồng/cp, ghi nhận mức tăng mạnh hơn 32% chỉ trong vòng 3 tháng qua.

Trong khi đó, cổ phiếu FDC bị HOSE đưa vào diện chứng khoán bị cảnh báo từ ngày 5/4/2023 vì BCTC kiểm toán 2022 có lãi sau thuế chưa phân phối là số âm (lỗ lũy kế gần 193 tỷ đồng). Nguyên nhân do năm 2022 FDC lỗ nặng tới 197 tỷ đồng vì các khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi, khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến (hơn 200 tỷ đồng).

Sang năm 2023, tình hình kinh doanh của FDC cũng không sáng sủa hơn là bao khi chỉ lãi vỏn vẹn hơn 700 triệu đồng. Tương tự quý 1/2024 lợi nhuận mang về chỉ hơn 365 triệu đồng. Trong khi kế hoạch năm 2024 với tổng doanh thu gần 32 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 5 tỷ đồng. Do đó, tại thời điểm cuối quý 1/2024, FDC đang ghi nhận lỗ lũy kế gần 192 tỷ đồng.

Về cách khắc phục, FDC cho biết việc thu hồi công nợ gặp trở ngại vì khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường bất động sản, nên các đối tác chưa thể thu hồi công nợ.

Tuy nhiên, vừa qua, FDC đã đưa ra lộ trình mới cho vấn đề thu hồi công nợ. Theo FDC, các bên liên quan đang xem xét thỏa thuận phương án chuyển nhượng cho nhà đầu tư có công nợ, hoặc xin ý kiến ĐHĐCĐ phê duyệt phương án nhận lại phần vốn góp để chủ động triển khai. Trường hợp không đạt được thỏa thuận, sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của hợp đồng.

Khoản nợ khó đòi của FDC là từ CTCP Dệt may Liên Khương. Tại ĐHĐCĐ 2024, FDC đã làm việc với bên Liên Phương và biết được đối tác này đang thực sự khó khăn, không có đơn hàng, không có khả năng trả nợ. Chủ trương của FDC ưu tiên là làm việc với đối tác, trong trường hợp đối tác không có khả năng chi trả thì FDC sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc chỉ lấy lại phần vốn góp của dự án.

Bên cạnh đó, tòa nhà văn phòng tại 28 Phùng Khắc Khoan đã thực hiện công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chuẩn bị nghiệm thu và bàn giao cho đơn vị thuê. FDC cũng tiến hành cơ cấu lại hoạt động cho thuê văn phòng tại tòa nhà phía sau văn phòng Fideco. Các mảng này dự kiến mang lại doanh thu cho thuê khoảng 60 tỷ đồng.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/vi-sao-lanh-dao-fideco-mua-chui-co-phieu-khi-kinh-doanh-con-bet-bat-216540.html