Thành phố Hồ Chí Minh: 6 tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày chưa đến 1 vụ vi phạm trật tự xây dựng
Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố là một quyết sách hữu hiệu của Thành ủy trong việc lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, bình quân mỗi ngày Thành phố có chưa đến 1 vụ vi phạm trật tự xây dựng.
Đó là nhận định của ông Trần Hoàng Quân – Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết cấp Thành phố về kết quả thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy (Chỉ thị số 23-CT/TU) và Kế hoạch số 3333/KH-UBND ngày 12/8/2019 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố (Kế hoạch số 3333/KH-UBND) diễn ra vào sáng 13/7, tại Hội trường Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Hoàng Quân cho biết, qua 4 năm triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU và Kế hoạch số 3333/KH-UBND Thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định.
Thứ nhất, Thành phố đã kiểm soát được, quản lý được tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn. Thứ hai, Thành phố đã kéo giảm được số vụ và tỷ lệ phát hiện vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể, trước khi có Chỉ thị số 23-CT/TU bình quân Thành phố có gần 10 vụ vi phạm trật tự xây dựng/ngày, nhưng sau khi Chỉ thị số 23-CT/TU được triển khai thì Thành phố chỉ còn gần 2 vụ vi phạm/ngày.
Đặc biệt, nếu tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố có tổng số công trình vi phạm là 170 công trình, bình quân số vụ vi phạm là 0,9 vụ/ngày, tính ra mỗi ngày có chưa đến 1 vụ vi phạm trật tự xây dựng.
Theo ông Trần Hoàng Quân, để Chỉ thị số 23-CT/TU đạt hiệu quả là nhờ có được sự đồng thuận của các cơ quan tham gia phối hợp thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU. Nhiệm vụ này không phải riêng của Sở Xây dựng, của UBND các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức mà cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, kể cả các lực lượng vũ trang.
Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, để Chỉ thị số 23-CT/TU đạt được hiệu quả như hôm nay, ngành xây dựng cũng mất rất nhiều. Một trong những tổn thất xương máu nhất đó là mất cán bộ.
Theo thống kê của Thanh tra Sở Xây dựng, tính từ tháng 7/2019 cho đến nay, ngành Xây dựng đã xử lý kỷ luật 184 trường hợp cán bộ vi phạm quy định. Trong đó, nhẹ nhất là bị phê bình kiểm điểm, nặng nhất là bị cách chức và buộc thôi việc. Con số 184 trường hợp bị xử lý do vi phạm quy định là con số nhỏ trong lực lượng Thanh tra xây dựng địa bàn, chưa tính đến những cán bộ công chức ở các địa phương và cá nhân, tổ chức có liên quan đến vi phạm của nhóm cán bộ này.
Tại Hội nghị, ông Lê Trần Kiên – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, để triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 3333/KH-UBND; trong đó đề ra 7 nhóm giải pháp với 56 nhiệm vụ nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Trong 56 nhiệm vụ UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao cho các sở, ngành và địa phương, có 2 nhiệm vụ do các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước phụ trách không thể thực hiện được. Hai nhiệm vụ này là ngưng cung cấp điện, nước cho công trình vi phạm xây dựng và xử lý các tổ chức, cá nhân tự ý đấu nối, cung cấp dịch vụ điện nước cho công trình vi phạm xây dựng.
Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan không quy định việc ngừng cung cấp điện, nước trong xử lý vi phạm hành chính. Do đó, Sở Xây dựng đề xuất không tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ, giải pháp này do UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước không có cơ sở pháp lý để thực hiện.