Thành phố Hồ Chí Minh càng chống càng ngập

Là đô thị đặc biệt với dân số trên 13 triệu người nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị lại phát triển chưa tương xứng gây ảnh hưởng tới tốc độ phát triển và cuộc sống người dân.

Cơn mưa ngày 29/4 gây ngập sâu tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh Internet).

Cơn mưa ngày 29/4 gây ngập sâu tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh Internet).

Cứ mưa là ngập

Nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhiều chuyên gia hiến kế để giúp giải quyết bài toán về ngập lụt trên địa bàn. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa dẫn đến nhiều dự án bị chậm triển khai gây bức xúc trong dư luận mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường. Bên cạnh đó, ý thức người dân vẫn chưa cao, hiện tượng xả rác bừa bãi thường xuyên xảy ra gây cản trở dòng chảy thoát nước…

Theo báo cáo của Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 36 cơn mưa, trong đó có 2 cơn mưa có vũ lượng lớn trên 50mm và 1 cơn trên 100mm. Cơn mưa ngày 29/4 có lưu lượng lớn nhất đạt 103,6mm tại trạm Dương Văn Cam đã gây ngập trên 8 tuyến đường ở thành phố Thủ Đức như: Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Võ Văn Ngân, Đặng Văn Bi, Hồ Văn Tư, Lã Xuân Oai, Hiệp Bình, Quốc Hương. Khiến nhiều tuyến đường ngập sâu cả mét làm phương tiện giao thông không thể di chuyển do chết máy phải nhờ cứu hộ.

Ông Lê Văn Thịnh ngụ Thành phố Thủ Đức than thở: Hệ thống thoát nước trên địa bàn có khẩu độ nhỏ lại nằm trên vùng trũng thấp (phường Linh Tây, Linh Trung) nên mưa lớn là ngập cục bộ. Ông Thịnh mong muốn chính quyền mở rộng khẩu độ các cống thoát nước cũng như thường xuyên nạo vét hệ thống thoát nước để khơi thông dòng chảy.

Từ thực tế mưa ngập năm 2021 trên địa bàn thành phố, dự báo năm 2022 có thể xảy ra ngập tại các tuyến đường như: Ngập theo tiêu chí có 15 điểm ngập gồm đường Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Hồ Ngọc Lãm, Quốc lộ 13, Ba Vân, Bàu Cát, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng; Ngập tức thời sau mưa gồm 24 điểm ngập ở các tuyến đường: Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Đồng, Lê Thị Hoa, Tỉnh lộ 43, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp, Hồ Văn Tư, Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Ngân, Quốc lộ 1A...

Theo ông Vũ Văn Điệp – Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, nguyên nhân gây ngập là do cường độ mưa lớn trong thời gian ngắn kết hợp địa hình trũng thấp cục bộ, hệ thống cống hiện hữu thiếu đồng bộ do đầu tư qua nhiều giai đoạn làm giảm tốc độ dòng chảy từ thượng lưu đến hạ lưu. Ngoài ra, triều cường cũng gây ngập tại một số tuyến đường với đỉnh triều cao nhất vào ngày 5/1/2022 đo tại trạm Phú An là dương 1.65m.

Nhiều dự án chống ngập

Trong một thời gian dài, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung khá nhiều nguồn lực để triển khai các dự án chống ngập theo Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008.

Trong đó, một số dự án ngăn triều cường, mưa lũ, chống ngập úng đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng như: Dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn (Nam - Bắc rạch Tra); dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; dự án 5 cống ngăn triều trên địa bàn quận Thủ Đức; dự án cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án nâng cấp công trình thủy lợi An Phú - Phú Mỹ Hưng và dự án đê bao sông Sài Gòn từ cầu Bến Súc đến rạch Thai Thai, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.

Một số dự án đang triển khai chậm tiến độ như: Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); hai dự án đê bao ngăn lũ bờ tả ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn thành phố Thủ Đức; bốn dự án đê bao bờ hữu ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn huyện Củ Chi.

Càng chống càng ngập

Trước dự báo tình hình ngập úng trên địa bàn, ông Điệp cho biết công tác chuẩn bị và phương án chống ngập trên địa bàn thành phố như: Duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước; kiểm tra, rà soát vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt tại các cửa xả. Vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước, xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều tràn bờ gây ngập.

Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới, lắp đặt van ngăn triều, vận hành các trạm bơm hỗ trợ thoát nước; tổ chức trực mưa, vớt rác miệng thu thời điểm trước, trong và sau cơn mưa; tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống Kiểm soát triều và trạm bơm để tăng khả năng thoát nước: Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, rạch Nhảy - ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trạm bơm Thanh Đa; Mễ Cốc 1, Phú Lâm, Bà Tiếng; Kiểm tra, rà soát để tận dụng các trạm bơm nước thải hỗ trợ thoát nước khi có mưa lớn: trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè, trạm bơm Đồng Diều và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Bình Hưng Hòa.

Ngập sâu tại đường Dương Văn Cam - Thủ Đức (ảnh Internet).

Ngập sâu tại đường Dương Văn Cam - Thủ Đức (ảnh Internet).

Cũng theo ông Điệp, bên cạnh công việc thường xuyên của Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thì Trung tâm sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện phương án điều tiết giao thông tại những điểm có khả năng ngập nặng. Qua đó nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến các phương tiện lưu thông trên đường và người dân tại khu vực ngập nặng.

Đồng thời, phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức vận động người dân tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước không lấp, bít và bỏ rác thải các các miệng thu nước để đảm bảo khả năng thoát nước, không xả rác và chất thải rắn xuống lòng các tuyến kênh, rạch phục vụ thoát nước; tăng cường kiểm tra và phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp chế tài, xử lý đối với trường hợp cố tình xả rác làm tắc nghẽn hệ thống.

Tham gia góp ý phương án thi công dẫn dòng đảm bảo thoát nước với các công trình thi công hạ tầng kỹ thuật có ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, theo dõi biện pháp thi công dẫn dòng đã được phê duyệt; kịp thời yêu cầu khắc phục những trường hợp ảnh hưởng hệ thống gây ngập cho khu vực.

Tuy nhiên, điều người dân thành phố vẫn boăn khoăn cho rằng, tại sao thành phố có nhiều dự án chống ngập như vậy mà cứ mưa là ngập và ngập bấp chấp. Phải chăng các phương án chống ngập của thành phố chưa đúng hoặc có vấn đề. Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các địa phương trong công tác vận động người dân chưa tốt, chưa đồng bộ.

Cao Cường

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-cang-chong-cang-ngap-332573.html