Thành phố Hồ Chí Minh có 5.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19

Hiện số bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua con số 2.000 ca. Để ứng phó thực tế này, thành phố đã tăng số giường điều trị Covid-19 tại các bệnh viện từ 3.500 lên 5.000 giường theo kịch bản đã chuẩn bị. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố, dù đang trong thời gian phong tỏa do có 56 nhân viên y tế nhiễm Covid-19, vẫn tham gia tích cực chiến dịch này.

Bệnh viện huyện Bình Chánh được chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh, quy mô 500 giường.

Tăng từ 3.500 lên 5.000 giường

Ngoài 9 bệnh viện điều trị Covid-19 với quy mô 3.500 giường, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh triển khai thêm 1.500 giường tại các bệnh viện khác.

Theo đó, từ ngày 25-6, Bệnh viện huyện Bình Chánh (500 giường) và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (1.000 giường) được tạm thay đổi công năng, trở thành những bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.

Cụ thể, Bệnh viện huyện Bình Chánh sẽ tạm ngừng hoạt động khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ bệnh viện trở thành "Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh", dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 25-6-2021.

Sở Y tế thành phố phân công Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố hỗ trợ nhân lực chuyên khoa nhiễm, và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ nhân lực chuyên khoa hồi sức cấp cứu cho Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh.

Từ ngày 28-6, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức thực hiện mô hình bệnh viện tách đôi, dành 1.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức vẫn duy trì hoạt động khám, chữa bệnh ngoại trú, tạm ngừng toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ khu vực điều trị nội trú của bệnh viện để trở thành "Bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức" theo mô hình "tách đôi bệnh viện", dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 28-6-2021.

Sở Y tế phân công Bệnh viện Lê Văn Việt tạm thời tiếp nhận bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức; Bệnh viện thành phố Thủ Đức tiếp nhận bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.

Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố hỗ trợ nhân lực chuyên khoa nhiễm và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố hỗ trợ nhân lực chuyên khoa để can thiệp điều trị tại chỗ (khi cần).

Như vậy, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 11 bệnh viện với 5.000 giường tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, gồm: Bệnh viện dã chiến Củ Chi (300 giường); Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi (500 giường); Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ (600 giường); Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh (500 giường); Bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức (1.000 giường); Bệnh viện điều trị Covid-19 Phạm Ngọc Thạch (500 giường); Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương (1.000 giường); Bệnh viện Nhi đồng thành phố (100 giường); Bệnh viện Nhi đồng 2 (60 giường); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (400 giường); Bệnh viện Chợ Rẫy (40 giường hồi sức).

Đang có 14 bệnh nhân Covid-19 nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới không ngủ

Từ ngày 12-6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh trở thành khu vực bị phong tỏa, sau khi phát hiện 56 nhân viên y tế nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, đây vẫn là nơi điều trị các bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng tại thành phố. Trong hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện vẫn làm tốt nhiệm vụ của mình.

Tính đến ngày 24-6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đang tiếp nhận, điều trị cho 14 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Trong số này, có 4 bệnh nhân phải dùng ECMO (tim phổi nhân tạo) và 3 bệnh nhân phải lọc máu liên tục.

Điển hình là bệnh nhân 2983, viêm phổi tiến triển nhanh, phổi chỉ còn 10% chức năng. Ngay từ đầu, ê-kíp điều trị đã đánh giá bệnh nhân "có bệnh cảnh Covid-19 nặng không kém bệnh nhân 91" (phi công người Anh, đã điều trị tại khoa trước đây). Bệnh nhân được can thiệp ECMO và nhiều biện pháp hỗ trợ sự sống khác ngay trong ngày nhập viện.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh vẫn ngày đêm chiến đấu, giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 nặng.

Sau hơn 1 tháng, các bác sĩ, điều dưỡng đã đưa bệnh nhân vượt qua cơn hiểm nguy. Ngày 10-6, bệnh nhân hồi phục tốt, tỉnh táo, hô hấp ổn định nên được cai ECMO, tập vật lý trị liệu, chuẩn bị giảm thông số máy thở. Tuy nhiên, sự phấn khởi của đội ngũ điều trị chưa được bao lâu, 2 tuần sau đó, bệnh nhân đột ngột mê sâu.

Bệnh nhân được chụp CTscan sọ não ngay lập tức. Kết quả ghi nhận xuất huyết não, là một biến chứng ít gặp nhưng vô cùng nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao. Hiện, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh vẫn nỗ lực hết mình để giữ lại sự sống cho bệnh nhân. Và họ tin sẽ thành công.

Niềm tin ấy được củng cố khi thời gian qua, nhiều bệnh nhân đã được các y, bác sĩ giành lại sự sống ngay dưới lưỡi hái của tử thần.

Thay mặt tập thể những người đang “chiến đấu” từng ngày, từng giờ với dịch bệnh Covid-19 quái ác, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh nói: "Mặc dù cuộc chiến với dịch bệnh lần này còn nhiều khó khăn, cam go, thách thức, nhưng chúng tôi luôn tin, với sự nỗ lực của ngành y tế, sự ủng hộ của toàn dân, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục chiến đấu và chiến thắng đại dịch”.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/1003625/thanh-pho-ho-chi-minh-co-5000-giuong-dieu-tri-benh-nhan-covid-19