Thành phố Hồ Chí Minh công bố 39 sản phẩm OCOP
Tối 30/6, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.
Qua đánh giá, phân hạng, ngày 28/3, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1066/QĐ-UBND công nhận 39 sản phẩm OCOP của 11 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên.
Trong đó, có 15 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 24 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến nay được 66 sản phẩm.
Đáng chú ý, trong công bố lần này, Công ty cổ phần tập đoàn Xuân Nguyên có 4 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao gồm: Mật ong nhân sâm, Mật ong nghệ viên vàng, Mật ong nghệ viên đen, Tinh bột nghệ vàng.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, để đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm của Tập đoàn Xuân Nguyên phải trải qua các bước đánh giá bài bản toàn diện từ đầu vào nguyên liệu, khu chế biến sản xuất và đầu ra thành phẩm bởi nhiều cấp đánh giá. Riêng sản phẩm OCOP hạng từ 4 sao trở lên phải có những chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO...
“Năm 2021, 2 sản phẩm của Xuân Nguyên là Mật ong rừng sữa ong chúa và Viên Hà thủ ô 5 trong 1 cũng đã xuất sắc đạt chứng nhận 4 sao. Với tinh thần trách nhiệm cao, bảo vệ sức khỏe cuộc sống gia đình và xã hội, chúng tôi không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, con người, vùng nguyên liệu… để cho ra những sản phẩm chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và chung tay xây dựng nền kinh tế nông nghiệp nông thôn thịnh vượng”, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ chia sẻ.
Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2019, đến nay đã có 66 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt 3 sao, 4 sao và có 1 sản phẩm đang đề xuất đánh giá sản phẩm 5 sao.
Với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố theo hướng đặc sản vùng miền, sản phẩm mang tính sáng tạo của địa phương, ngay từ ban đầu, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chủ trương, những hướng dẫn để các chủ thể OCOP có thể tận dụng được những lợi thế của địa phương, nâng cao các đặc trưng và giá trị của sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mang tính độc đáo, riêng biệt.
Hiện, chương trình OCOP tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được mở rộng hơn về phạm vi, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất. Sự mở rộng này nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được tham gia đánh giá OCOP, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến có thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung nhiều ở các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và thành phố Thủ Đức.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, khi triển khai thành công chương trình OCOP trên địa bàn thành phố sẽ giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là góp phần quan trọng thành công trong xây dựng nông thôn mới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-cong-bo-39-san-pham-ocop-post760314.html