Thành phố Hồ Chí Minh công bố dịch sởi: Những điều cần biết và lưu ý

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố dịch bệnh truyền nhiễm sởi quy mô toàn thành phố, với nguyên nhân do virus sởi (Polynosa morbillorum) gây ra và mức độ nguy hiểm của dịch sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Triệu chứng dễ nhận biết của bệnh nhi mắc sởi là mẩn đỏ nổi khắp người

Triệu chứng dễ nhận biết của bệnh nhi mắc sởi là mẩn đỏ nổi khắp người

Đây là lần đầu Thành phố Hồ Chí Minh công bố dịch sởi và là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch này và Chiến dịch tiêm vaccine bổ sung sởi-rubella sẽ được triển khai cho tất cả trẻ đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh từ 1- 5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng vaccine này trước đó.

Bệnh sởi được xếp vào bệnh nguy hiểm nhóm B, tức nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 20/11/2023, với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ ba năm gần nhất. Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ hai xã có dịch trở lên. Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ hai huyện có dịch trở lên.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát có những trường hợp cần được phụ huynh lưu ý.

• Phụ huynh cần làm gì hiện nay?

- Kiểm tra ngay sổ tiêm chủng của con mình. Với những ô có chữ “bệnh sởi”, bạn đếm xem đã được ghi đủ 2 lần tiêm vaccine có chứa thành phần “sởi” hay chưa, bất kể đã tiêm vaccine gì.

- Nếu trong sổ tiêm chủng chỉ ghi có một ngày tiêm hoặc chưa có ngày tiêm nào, hãy nhanh chóng đưa con đến trung tâm y tế địa phương hoặc đơn vị tiêm chủng của bệnh viện gần nhất để được tiêm vaccine.

Vaccine chứa thành phần sởi hiện nay bao gồm:

- Vaccine sởi đơn, tiêm cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 12 tháng

- Vaccine sởi- rubella, tiêm cho trẻ 12 tháng đến 5 tuổi

- Vaccine dịch vụ là vaccine sởi-quai bị-rubella (MMR II) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn. Đặc biệt, lịch tiêm vaccine MMR II khi có dịch sởi có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

• Những ai khác cần đi tiêm vaccine sởi?

- Phụ nữ có kế hoạch sẽ có thai trong 3 tháng sắp tới. Cần hoàn tất đủ 2 mũi vaccine sởi-quai bị-rubella. Tuyệt đối không có thai trong thời gian tiêm vaccine và một tháng sau tiêm vaccine.

- Người lớn trong gia đình, đặc biệt là những người đang trực tiếp chăm sóc các bé nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

- Các bảo mẫu và giáo viên trường mầm non.

- Trẻ em không biết rõ về lịch sử tiêm chủng trước đây và đang có tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như: nhiễm HIV, sau ghép tạng, đang điều trị ung thư, đang chạy thận nhân tạo, cắt lách hoặc không có lách, mắc bệnh lupus, hội chứng thận hư...

• Bao lâu sau tiêm vaccine thì có hiệu quả bảo vệ?

Cần từ 2 đến 3 tuần để cơ thể sản xuất đủ kháng thể bảo vệ tránh virus sởi. Trong khoảng thời gian này những người lớn có nguy cơ mắc sởi hoặc có dấu hiệu nghi ngờ bệnh sởi cần tránh tiếp xúc với trẻ.

Vaccine sởi có thể giúp ngăn ngừa bệnh hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu được tiêm trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh sởi

Theo Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian xảy ra dịch là tháng 8/2024 với quy mô toàn thành phố

Ngành y tế thành phố khuyến cáo phụ huynh cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.

YẾN NGỌC- HUYỀN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-cong-bo-dich-soi-nhung-dieu-can-biet-va-luu-y-post827210.html