Thành phố Hồ Chí Minh: Điều trị thành công 3 ca bệnh viêm não herpes

Chiều 8/9, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, trong hơn một tháng qua, bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị liên tiếp 3 ca viêm não do virus herpes, đặc biệt cả 3 ca đều đã hồi phục sức khỏe tốt và gần như không để lại di chứng.

Bệnh nhân 80 tuổi mắc viêm não do virus herpes đã phục hồi sức khỏe.

Bệnh nhân 80 tuổi mắc viêm não do virus herpes đã phục hồi sức khỏe.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Vân Anh, Trưởng Khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Thống Nhất cho biết: Bệnh nhân đầu tiên là bệnh nhân nữ 36 tuổi nhập viện ngày 9/7 ngay khi bay chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam, nhập viện với các triệu chứng sốt, tiêu chảy, không ghi nhận triệu chứng của hệ thần kinh, các bác sĩ chuẩn đoán ban đầu liên quan đến hệ tiêu hóa.

Tuy nhiên sau hai ngày theo dõi, bệnh nhân có dấu hiệu thay đổi nhận thức nhẹ, kèm theo một số biểu hiện lâm sàng khác, bác sĩ ngay lập tức suy đoán khả năng bị nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm, kết quả khẳng định bệnh nhân bị viêm não. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân diễn tiến có cơn mê nhưng được điều trị kịp thời nên tri giác đã hồi phục hoàn toàn, hiện đã xuất viện.

Bệnh nhân thứ hai nhập viện ngày 5/8, 57 tuổi, trước đó có sốt, điều trị ở bệnh viện tư nhân 2-3 ngày không có chuyển biến. Khi bệnh nhân bị sốt, rối loạn tri giác, rơi vào trạng thái lơ mơ, người nhà đã chuyển vào nhập Bệnh viện Thống Nhất. Kết quả chụp MRI không phát hiện tổn thương ở não. Bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy và xét nghiệm PCR herpes cho kết quả âm tính. Huyết thanh chẩn đoán ở vùng sáng, bác sĩ vẫn kiên trì điều trị theo hướng viêm não herpes. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân hồi phục tri giác, tuy nhiên vẫn có tình trạng co giật nên khi được xuất viện bác sĩ vẫn yêu cầu dùng thêm thuốc chống co giật.

Bệnh nhân thứ ba, 80 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt ngày thứ 3, lơ mơ. Kết quả chụp MRI nghi ngờ tổn thương thùy thái dương. Tuy nhiên huyết thanh chẩn đoán và PCR âm tính. Bác sĩ vẫn điều trị theo hướng viêm não herpes. Hiện bệnh nhân đã được điều trị thành công, dự kiến thứ hai tuần tới sẽ được xuất viện. Người nhà bệnh nhân nữ 80 tuổi (ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết: “Do bệnh nhân tuổi cao, lại rơi vào tình trạng lơ mơ, tròng mắt đứng 3 ngày trời rồi, nên gia đình đã xác định tư tưởng, nhưng khi nhập Bệnh viện Thống Nhất, bệnh nhân đã được điều trị tốt, hiện nay đã nhận biết được các con, cháu và gần như đã trở về trạng thái sức khỏe như khi chưa phát bệnh”. Người nhà bệnh nhân chia sẻ.

Viêm não do virus herpes là bệnh hiếm gặp, triệu chứng khó nhận biết, ban đầu vẫn có thể nhầm lẫn triệu chứng nhưng tỷ lệ thấp. Khi chụp MRI và làm các xét nghiệm sẽ chẩn đoán được bệnh. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tổn thương não lan rộng từ thùy bên này sang thùy bên kia, di chứng nặng nề, hoại tử mô dẫn đến tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh viêm não herpes là 10-15%, di chứng khoảng 30-40%.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Vân Anh, Trưởng Khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Thống Nhất

Bác sĩ Vân Anh cho biết: Ước tính mỗi năm chỉ có 2-4 người bị nhiễm viêm não Herpes trên 200.000 dân. Và bệnh viện cũng khoảng 2-3 tháng mới tiếp nhận một ca. Tuy nhiên hơn một tháng mà tiếp nhận liên tiếp 3 ca là tần suất khá dày, và đặc biệt cả ba khi sau quá trình điều trị đều khôi phục sức khỏe gần như hoàn toàn, không phát hiện biến chứng ở thời điểm hiện tại, điều đó là điều cực kì may mắn.

Bác sĩ cho biết thêm, nguyên nhân của viêm não herpes thường do sự tái hoạt của virus herpes đã nằm sẵn trong cơ thể. 90% những người trưởng thành đều mang virus này trong cơ thể. Tuy nhiên phải có những điều kiện thuận lợi thì virus này mới có thể bùng phát như sốt, phơi nắng, căng thẳng tâm lý, phẫu thuật, kinh nguyệt….

Virus này thường xâm nhập qua đường mũi, họng, đi theo dây thần kinh vào nằm trong hạch. Nếu được kích hoạt, virus này sẽ đi ngược theo dây thần kinh khứu giác lên thùy thái dương trên não.

Cả 3 bệnh nhân gần đây nhất đều là do virus tái hoạt. Thời điểm vàng để chữa bệnh là khoảng 2 ngày khi bắt đầu có dấu hiệu, tuy nhiên các triệu chứng bệnh rất khó nhận biết, dấu hiệu nhận biết bệnh rõ nhất là đột nhiên thay đổi tri giác, tính tình, cảm xúc, thói quen, phản ứng và nhận thức. Nếu bệnh nhân có các biểu hiện trên kèm thêm sốt, cần được khám ngay để phát hiện, can thiệp sớm thuốc điều trị đặc hiệu.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-dieu-tri-thanh-cong-3-ca-benh-viem-nao-herpes-post771569.html