Thành phố Hồ Chí Minh: Đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới
Ngay trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chảy mạnh vào thành phố Hồ Chí Minh. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài hậu Covid-19.
Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị quỹ đất để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới.
Điểm đến đầu tư an toàn
Theo Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2020 đến ngày 20-4, tổng vốn FDI vào thành phố đạt hơn 1,3 tỷ USD, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Còn theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), từ đầu năm đến nay, tổng vốn đầu tư vào Hepza (kể cả cấp mới và điều chỉnh) đạt gần 118 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng vốn FDI đạt 65,98 triệu USD, tăng 2,58 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bé cho rằng, kết quả thu hút FDI trong những tháng đầu năm tiếp tục khẳng định Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19. Với tiền đề thuận lợi này, thành phố đang đứng trước cơ hội đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19 khi các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… chuyển dây chuyền sản xuất đến Việt Nam.
Đồng tình quan điểm trên, nguyên Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Quốc nhìn nhận, các tập đoàn đa quốc gia đánh giá, Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có nhiều thuận lợi trong việc đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19.
Về phía nhà đầu tư, ông Stephan Pudwill, Phó Chủ tịch Công ty Techtronic Industries (nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, công ty lựa chọn đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh là do địa phương này có nguồn nhân lực tốt; cơ sở hạ tầng, logistics phát triển; có nhiều nhà cung ứng chất lượng; đặc biệt là chính quyền thành phố cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng nhà đầu tư... Còn theo đại diện Tập đoàn Cleandye đến từ Hà Lan, khi đầu tư vào Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), tập đoàn luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan, ban, ngành của thành phố.
Cơ hội mới thu hút đầu tư nước ngoài
Trước làn sóng đầu tư nước ngoài mới, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần có bộ tiêu chí để chọn lọc nhà đầu tư. Theo đó, cần ưu tiên các ngành công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; tập trung hỗ trợ các dự án đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và quản lý, điều hành…
“Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao sẽ có tác động lan tỏa đến hầu hết các ngành công nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho các ngành kinh tế”, ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó Trưởng ban Hepza Đào Xuân Đức cho rằng, cần sớm hình thành những khu công nghiệp chuyên ngành kết hợp gia tăng thu hút các nhà đầu tư sản xuất nguyên liệu, nhất là nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chủ lực. Bên cạnh đó, cần xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ từ ngân sách để điều tiết giá cho thuê đất, nhằm thu hút đầu tư các ngành công nghiệp theo mục tiêu của thành phố và Chính phủ.
Đối với việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp hiện hữu, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông cho biết, các khu công nghiệp cần tăng khả năng thu hút đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững. Cụ thể, cần ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa vùng ngoại thành.
Nhằm sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Hepza và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất báo cáo trình UBND thành phố giải pháp nhằm tạo quỹ đất thu hút đầu tư.
Đặc biệt, thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ thành phố xây dựng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) với quy mô hơn 380ha, có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.