Thành phố Hồ Chí Minh: Giải quyết nghịch lý nhà bỏ không, người chưa có chỗ ở

Thành phố Hồ Chí Minh còn tồn đọng hàng chục nghìn căn hộ và đất nền chưa sử dụng, nhưng lại có hàng triệu người chưa có nhà ở. Để giải quyết bất cập này, các cấp, các ngành của thành phố đang tích cực tìm các giải pháp khả thi.

Hàng nghìn căn hộ tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) bỏ không nhiều năm nay.

Hàng nghìn căn hộ tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) bỏ không nhiều năm nay.

Tồn đọng nhiều nhà đất tái định cư

Chiều tối chủ nhật cuối cùng của năm 2021, khu dân cư New City trên đường Mai Chí Thọ, phường Bình Khánh, thành phố Thủ Đức nhộn nhịp người qua lại. Các cửa hàng ăn uống, dịch vụ mở đèn sáng trưng; xe hơi đậu thành dãy dài. Nhưng ngay bên kia vườn hoa nội khu, gần 3.800 căn hộ tái định cư trong các tòa nhà trên tổng diện tích hơn 38,2ha bỏ trống nhiều năm nay.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 11.370 nhà, đất, trong đó có 9.173 căn hộ và 2.197 nền đất chưa sử dụng tại 161 dự án tái định cư. Ngoài 3.800 căn hộ bỏ không tại khu tái định cư Thủ Thiêm, còn phải kể đến khu tái định cư Vĩnh Lộc B ở huyện Bình Chánh, nơi có 1.454 căn hộ để trống và hơn 1.000 căn hộ rải rác ở các địa phương khác.

Các căn hộ, nền đất tái định cư do thành phố Hồ Chí Minh cùng các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng, phục vụ đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều dự án lớn tại thành phố trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân trong diện giải tỏa các dự án ấy lại nhận tiền mặt hoặc nền đất đền bù, dẫn tới tồn đọng phần lớn số căn hộ.

 Ngay giữa khu đất Thủ Thiêm là nhiều căn hộ tái định cư bỏ trống.

Ngay giữa khu đất Thủ Thiêm là nhiều căn hộ tái định cư bỏ trống.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Son Viet Property JSC (một đơn vị phát triển và phân phối bất động sản), tỷ lệ người sở hữu nhà trong nhóm người tuổi 28-35 còn thấp. Phân khúc nhà 2 phòng ngủ, giá dưới 2,5 tỷ đồng hầu như không có trên thị trường nên người trẻ không mua được. “Nếu có chính sách tận dụng quỹ nhà tái định cư bỏ trống, sẽ giải quyết được phần nào nhu cầu nhà ở cho người lao động trẻ”, ông Nguyễn Hoàng Việt đề xuất.

Nhiều hướng giải quyết

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng thông tin, thành phố đề ra 3 hướng giải quyết nhà, đất tái định cư còn tồn đọng. Thứ nhất, phân bổ cho quận, huyện để phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích là 3.426 căn hộ và nền đất (2.396 căn và 1.030 nền). Thứ hai, bán đấu giá 5.063 căn hộ và nền đất (5.022 căn và 41 nền đất). Thứ ba, dự phòng 2.881 căn hộ và nền đất (1.755 căn và 1.126 nền) để phục vụ di dời các trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng…

Về hướng giải quyết thứ nhất, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phân bổ cho UBND thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện sử dụng 2.396 căn hộ và 1.030 nền đất gồm: 781 căn hộ thuộc Chương trình 12.500 căn phục vụ tạm cư, tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm; 24 nền đất phục vụ tái định cư cho dự án Khu công nghệ cao; 161 nền đất phục vụ cho dự án tái định cư Thảo Cầm Viên; 1.615 căn hộ và 845 nền đất còn lại để giải quyết tạm cư, tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích.

 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chia 3.790 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm thành 2 gói đấu giá để có mức giá khởi điểm phù hợp, thu hút các doanh nghiệp tham gia.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chia 3.790 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm thành 2 gói đấu giá để có mức giá khởi điểm phù hợp, thu hút các doanh nghiệp tham gia.

Về hướng giải quyết thứ hai, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Sở Tư pháp) đã 2 lần chào bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư thuộc phường Bình Khánh trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức giá khởi điểm lần lượt 9.100 tỷ đồng và 9.900 tỷ đồng (tương ứng 2,6 tỷ đồng/căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 65m2, khá rẻ so với mặt bằng giá khu vực này), nhưng không có người mua. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do nhà tái định cư thiết kế cũ, xuống cấp, phải sửa chữa nhiều, chi phí lớn, lợi nhuận giảm… nên các doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sắp tổ chức phiên đấu giá lần thứ 3. Số căn hộ này sẽ được chia làm 2 gói để đấu giá. Một gói gồm 1.570 căn hộ (11 block chung cư thuộc 2 lô R4, R5) với hơn 31.800m2 đất; gói còn lại 2.220 căn hộ (14 block chung cư thuộc 3 lô R1, R2 và R3) trên diện tích hơn 47.000m2 đất.

“Giá khởi điểm tổng thể của 2 gói đấu giá dự kiến sẽ cao hơn mức 9.900 tỷ đồng. Tổ chức, cá nhân muốn mua phải đặt cọc trước 20% giá khởi điểm. Nếu trúng đấu giá, trong vòng một tháng, phải nộp đủ 50% giá trị trúng đấu giá, 50% còn lại nộp trong vòng 90 ngày. Sau khi trúng đấu giá, các căn hộ này sẽ trở thành nhà ở thương mại”, ông Phạm Văn Sỹ cho biết.

An Tôn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1021048/thanh-pho-ho-chi-minh-giai-quyet-nghich-ly-nha-bo-khong-nguoi-chua-co-cho-o