Thành phố Hồ Chí Minh gỡ vướng cho nhu cầu mua đồ ăn sẵn của người dân

Một trong những khó khăn mà người dân thành phố Hồ Chí Minh gặp phải trong ngày đầu tiên thành phố triển khai giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là việc mua đồ ăn sẵn. Quy định 'dừng bán thức ăn mang về' dường như chưa sát với thói quen sinh hoạt của nhiều người dân. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có những điều chỉnh bước đầu trong vấn đề này.

Nhiều người dân vùng phong tỏa tại quận 7, thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng dịch vụ “mua hộ” để nhận hàng hóa, thực phẩm vào khu dân cư.

Nhiều người gặp khó

Từ 0h ngày 9-7, thành phố Hồ Chí Minh triển khai giãn cách theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện - thành phố cách ly với quận - huyện - thành phố. Cùng với đó, toàn thành phố đang có 1.280 điểm phong tỏa tại các khu vực dân cư.

Anh Trương Vĩnh Trung (ngụ tại khu dân cư Nam Long, phường Tân Thuận Đông, quận 7 - địa phương đang áp dụng “phong tỏa trong vùng phong tỏa”, vì có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao) cho biết, theo thói quen của rất nhiều người dân tại các đô thị phía Nam, anh cũng thường ăn tại các tiệm cơm bình dân. Khi thành phố chống dịch, anh gọi đồ ăn mang về. Nay dịch vụ này bị tạm dừng, anh và nhiều người xung quanh gặp khó khi không thể ngay lập tức sắm đồ nấu nướng.

“Trong các đợt chống dịch trước, dịch vụ giao đồ ăn vẫn được hoạt động. Lần này, dịch bùng phát mạnh hơn, thành phố tạm dừng cả loại hình dịch vụ này. Tôi rất mong các ban, ngành có hướng giúp đỡ những người như tôi”, anh Trung nói.

Các doanh nghiệp hoạt động giao đồ ăn trực tuyến đồng loạt thông báo tạm ngưng hoạt động.

Chị Mai Nguyễn (ngụ tại đường Trần Quốc Thảo, quận 3) cũng có chung chia sẻ. Từ sáng 9-7, đồng loạt các dịch vụ nhận đặt hàng qua mạng và giao đồ ăn đến tay khách hàng tại thành phố như Loship, GrabFood, Now, Beamin… thông báo tạm dừng hoạt động. “Giờ tôi không thể đặt đồ ăn sẵn giao tận nơi như trước nữa. Tôi chưa biết xử lý việc này thế nào”, chị Mai Nguyễn nói.

Đây cũng là vấn đề được nhiều phóng viên đặt câu hỏi với Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Đức trong cuộc họp báo kéo dài tới tận 23h30 ngày 8-7, chỉ ít phút trước thời điểm toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Lý giải về quy định này, ông Dương Anh Đức nói: “Không có quyết định nào toàn vẹn. Ra quyết định này, lãnh đạo thành phố rất cân nhắc. Ví dụ như cá nhân tôi cũng rất cần, nhưng thực tế, các nơi bán hàng, shipper đến đứng đợi, rất khó đảm bảo giãn cách phòng dịch. Mỗi người hy sinh thói quen của mình một chút thì tình hình sẽ được cải thiện”.

Những điều chỉnh ban đầu

Tuy nhiên, đến chiều 9-7, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Văn bản khẩn số 2292/UBND-VX, trong đó nêu rõ, trước thực tế một bộ phận người dân gặp khó khăn từ việc tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 9-7, UBND thành phố giao Sở Công Thương có văn bản yêu cầu các hệ thống phân phối (SaiGon Co.op, Satra, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, VinMart, Family Mart, AEON, Vissan...) tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên các quầy, kệ với chủng loại đa dạng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; phối hợp hệ thống giao hàng online, phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương rà soát, có phương án hỗ trợ người dân trên địa bàn gặp khó khăn trong tổ chức bữa ăn khi giãn cách; tổ chức lực lượng tình nguyện viên của hội phụ nữ và đoàn thanh niên hỗ trợ “đi chợ thay”; trực tiếp đặt hàng qua điện thoại để tình nguyện viên giao trực tiếp đến các đối tượng có nhu cầu; chủ động cung cấp các suất ăn miễn phí cho người già neo đơn, người bệnh và các đối tượng khác.

Nhận xét về sự điều chỉnh này, Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Lương Hoài Nam cho rằng, đây là sự điều chỉnh kịp thời. Điều chỉnh này vẫn bảo đảm hạn chế được hoạt động khó kiểm soát của các hộ kinh doanh đồ ăn nhỏ lẻ nằm sâu trong các con hẻm, thay vào đó, tập trung cho các nhà cung cấp lớn như chuỗi siêu thị, chuỗi bán lẻ, với hàng nghìn cửa hàng rải khắp các nơi trong thành phố. Đây là những nhà cung cấp có thể kiểm soát được chất lượng đồ ăn, đảm bảo phòng dịch.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lương Hoài Nam, các nhà cung cấp dịch vụ chuyên giao nhận đồ ăn như Loship, GrabFood, NowFood, Beamin… có hệ thống dịch vụ chuyên nghiệp, có nền tảng công nghệ dễ kiểm soát, truy vết khi cần. Nếu để họ tham gia việc vận chuyển, giao nhận đồ ăn từ nhà cung cấp đến khách hàng, sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý phòng dịch.

“Các thanh niên tình nguyện luôn sẵn sự nhiệt tình để tham gia giao nhận đồ ăn cho người dân, nhưng các địa phương sẽ phải tổ chức lượng lớn người cho việc này. Cùng với đó, còn cần tính đến cách thức giao tiếp, liên lạc... Những việc này dẫn đến phát sinh khối lượng công việc không nhỏ trong bối cảnh các địa phương đang tập trung phòng, chống dịch. Tôi rất mong các cấp quản lý xem xét và có thêm sự điều chỉnh hợp lý”, Tiến sĩ Lương Hoài Nam đề xuất.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/1005222/thanh-pho-ho-chi-minh-go-vuong-cho-nhu-cau-mua-do-an-san-cua-nguoi-dan