Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, hài hòa sông nước
46 năm sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, quy mô đô thị của Thành phố mang tên Bác đã lớn gấp nhiều lần ngày đầu mới giải phóng. Diện mạo đô thị của TP Hồ Chí Minh không ngừng phát triển bền vững theo hướng hiện đại, vừa giữ gìn những nét kiến trúc văn hóa, lịch sử của Thành phố sông nước...
Đột phá Phú Mỹ Hưng
Nhiều năm gắn bó với lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc và chứng kiến sự phát triển không ngừng của thành phố, Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng, quy hoạch cũng luôn phải cập nhật. Thậm chí phải dự báo trước được sự phát triển để cập nhật quy hoạch chứ không thể ôm khư khư quy hoạch cũ để cản trở phát triển.
Cho rằng việc hình thành quy hoạch Khu đô thị (KĐT) Phú Mỹ Hưng là bước đột phá trong quy hoạch phát triển của Thành phố, KTS Khương Văn Mười nhớ lại, khi đó TP Hồ Chí Minh đã hình thành Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước và của thành phố. Song, tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa ra vào khu chế xuất này đều phải đi ngược vào khu vực nội thành, gây xáo trộn hoạt động vận chuyển ở TP Hồ Chí Minh.
Trước thực tế này, nhu cầu làm tuyến đường Nguyễn Văn Linh để nắn chỉnh hướng vận chuyển hàng hóa thẳng ra cửa ngõ phía Tây được đặt ra cấp bách. Trong điều kiện nền đất yếu, ngân sách eo hẹp, thành phố đã đề xuất và được Chính phủ cho phép hợp tác với doanh nghiệp người nước ngoài để đổi đất, làm tuyến đường này. Dự án KĐT Phú Mỹ Hưng cũng được hình thành từ đó.
KTS Khương Văn Mười đánh giá, Phú Mỹ Hưng là quy hoạch thành công nhất trong việc cải thiện môi trường sống cho cư dân. Quan trọng hơn, quyết định làm tuyến đường này đã giúp khơi thông cho các cụm dân cư ở quận 4, quận 7, quận 8. Bởi trước kia, khu vực này giống như nằm trong tuyến đường cụt, môi trường sống, môi trường xã hội cũng không tốt và chủ yếu dành cho người lao động nghèo ở các nơi về trú ngụ.
Nơi đây đã có nhiều năm thành gánh nặng trong vấn đề an sinh - xã hội cho chính các quận cũng như thành phố. Khi Phú Mỹ Hưng hình thành, kết nối với các tuyến đường đi qua quận 4, quận 6 và quận 8 đã làm thay đổi diện mạo của các quận này.
Từ hiệu quả của việc quy hoạch KĐT Phú Mỹ Hưng, TP Hồ Chí Minh cũng đã dựa vào đó để quy hoạch KĐT Nam Sài Gòn. Việc này nhằm kết nối giữa KĐT Phú Mỹ Hưng với các khu dân cư bên ngoài để hình thành một khu dân cư thống nhất; giúp các khu dân cư xung quanh cũng được hưởng lợi từ hạ tầng KĐT Phú Mỹ Hưng. Từ đó đồ án quy hoạch KĐT Phú Mỹ Hưng trở thành đồ án quy hoạch kiểu mẫu, tiêu chí cơ bản để các nhà đầu tư phát triển dự án KĐT sau này ở thành phố phải đạt tới.
Với người dân các khu vực lân cận, việc kết nối theo hướng mở, liên thông của KĐT Phú Mỹ Hưng còn giảm được sự tách biệt về môi trường sống, giúp người dân có quyền được hưởng không gian chung. Ông Tuyến, một người dân ở quận 7, hàng ngày đến Phú Mỹ Hưng tập thể dục chia sẻ, nếu quy hoạch nơi đây thành KĐT biệt lập, người vào phải trình giấy qua cổng bảo vệ sẽ không ai đến.
“Đây cũng là đặc trưng trong quy hoạch hiện đại khi giải quyết được nhiệm vụ quan trọng là tạo được KĐT kết nối giữa người dân trong dự án và ngoài dự án chứ không chỉ đóng khung trong phạm vi dự án. Dự án này cũng góp phần nâng cao giá trị của các quận, huyện do trước đó chưa có nhiều động lực để phát triển”, KTS Khương Văn Mười khẳng định.
Từ thành công bước đầu với dự án này, TP Hồ Chí Minh đã tiếp tục quy hoạch phát triển các dự án KĐT hiện đại khác như KĐT mới Thủ Thiêm, Thanh Đa, Tây Bắc Củ Chi… Trong đó, hiện KĐT mới Thủ Thiêm đã hình thành theo hướng hiện đại, tổ chức không gian khai thác bờ sông Sài Gòn một cách hài hòa với đô thị ở khu vực quận 1, nơi có các khu đô thị lịch sử và cổ.
Với KĐT mới Thủ Thiêm, quy hoạch “cắt khúc” kiểu đô thị một nơi, dòng sông một nơi do lịch sử để lại đã được khắc phục; sông Sài Gòn đã trở thành một bộ phận cấu thành của đô thị khi “đứng” ở giữa để kết nối không gian 2 bên sông. Khai thác cảnh quan trên và ven 2 bờ sông Sài Gòn đã đưa TP Hồ Chí Minh về đúng nghĩa là Thành phố sông nước.
KTS Khương Văn Mười cho hay, đây là những điểm mới trong quy hoạch phát triển đô thị và việc quy hoạch phát triển TP Thủ Đức cũng sẽ có những nét mới.
Thành phố vùng sông nước hiện đại trong tương lai
Để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, TP Hồ Chí Minh cũng đã quy hoạch chi tiết khu vực lõi trung tâm với diện tích 930ha. Trong khu vực này, những công trình kiến trúc hiện đại sẽ được xem xét cẩn trọng để không gây ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian kiến trúc xung quanh.
Cách đây mấy năm, TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Hội đồng phân loại biệt thự cổ để xem xét biệt thự nào cần giữ nguyên, biệt thự nào được phép thay đổi.
Ngoài ra, Hội đồng kiến trúc còn xem xét đến cả không gian kiến trúc, không gian sinh hoạt cộng đồng để vừa bảo vệ, vừa giữ gìn bản sắc và phát triển được những công trình hiện đại. Để phát triển nhanh hạ tầng kiến trúc đô thị theo hướng này, “chỉnh trang và phát triển đô thị” là một trong bảy chương trình lớn đã và đang được TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh triển khai.
Phát huy giá trị của Thành phố sông nước, trong hơn 20 năm qua, thành phố đã thực hiện chỉnh trang nhiều tuyến kênh chạy trong nội đô như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Ruột Ngựa, kênh Tân Hóa - Lò Gốm… để mang lại bộ mặt mới cho nhiều vùng dân cư ven kênh rạch. Đối với sông Sài Gòn, dòng sông lịch sử, dòng sông cảnh quan, dòng sông văn hóa - du lịch và cũng là nguồn nước uống, nguồn lực kinh tế, tuyến giao thông đường thủy mà của thành phố đang ra sức giữ gìn để phát triển bền vững.
Về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh khẳng định, quan điểm điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn thành phố là mang tính kế thừa, phạm vi điều chỉnh gồm toàn bộ diện tích của thành phố, kể cả phần diện tích KĐT lấn biển Cần Giờ.
Mục tiêu thành phố hướng tới là từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng TP Hồ Chí Minh với các địa phương lân cận; kết nối giữa các khu vực khác nhau của thành phố một cách chiến lược, trọng điểm và phát huy hiệu quả để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó sẽ củng cố cấu trúc đô thị đa cực nhưng cũng giữ gìn và nâng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan của Thành phố sông nước.