Thành phố Hồ Chí Minh: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa
Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp xuất khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp không ít khó khăn. Các cấp, ngành của thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tập trung phát triển thị trường nội địa để tăng sức tiêu thụ hàng hóa.
Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất giày tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân).
Xuất khẩu giảm mạnh
Theo Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, có 85% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ 2019 như: Xuất khẩu kim loại giảm 46,5%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 34,1%... Trong tháng 5-2019 đã có 2.015 doanh nghiệp giải thể, tăng hơn 16% so với năm 2019. Ngoài ra, có 7.257 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng gần 40% so với cùng kỳ 2019.
Chưa kể, nhiều công ty sản xuất hàng xuất khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm công nhân. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Giày da Huê Phong Trần Tú Minh cho biết, hiện công ty đã phải cắt giảm 2.200 lao động do khó khăn tìm nguồn nguyên liệu duy trì sản xuất hàng xuất khẩu. Tương tự, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam Cù Phát Nghiệp cho biết, doanh nghiệp cũng cắt giảm gần 3.000 lao động do đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.
Tương tự, Chánh văn phòng Hiệp hội Mỹ thuật và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hữu Thiêm thông tin: “Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ và châu Âu, đối tác của các công ty kinh doanh mặt hàng gỗ, đồ mỹ nghệ không nhận hàng, với lý do sợ lây lan dịch bệnh. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất theo đơn đặt hàng, giờ không tiêu thụ được. Chúng tôi rất mong được Nhà nước hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể”.
Cùng với giải thể, ngừng hoạt động, doanh nghiệp nội địa còn đứng trước nguy cơ bị thâu tóm. Trong 5 tháng đầu năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh đã phải chấp thuận cho 1.923 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua lại, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với tổng số tiền lên đến 1,2 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn, tiêu thụ hàng hóa bị đình đốn còn ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách. Thống kê từ Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt hơn 39.991 tỷ đồng, bằng 34,8% chỉ tiêu pháp lệnh, giảm tới 9.094 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp
Trước thực trạng trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành căn cứ quy định pháp luật, chủ động thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, ngành Ngân hàng đã tập trung hỗ trợ theo 2 phương thức là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi cho 17.448 doanh nghiệp; tiếp nhận hỗ trợ 321 doanh nghiệp thiệt hại do dịch Covid-19.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Minh, cho biết: “Sự ưu đãi cho doanh nghiệp không chỉ là giải pháp mà còn là động lực để doanh nghiệp có kế hoạch tái sản xuất”. Cùng hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giải quyết 684 hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp với số tiền hơn 4.500 tỷ đồng.
Để giúp doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất nói chung phát triển thị trường nội địa, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) Nguyễn Tuấn cho biết, ITPC đã làm việc với các chuỗi bán lẻ lớn trong nước để tăng cường tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp. Trong tháng 7 và 8-2020, ITPC sẽ phối hợp với Tập đoàn AEON Việt Nam tổ chức các sự kiện "Tuần lễ triển lãm sản phẩm Việt Nam tại AEON Celadon" và "Kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các AEON năm 2020"...
Tận dụng các hình thức hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như gạo, thực phẩm ăn liền, thực phẩm chế biến... đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, dồn sức cho thị trường trong nước, thay vì cho xuất khẩu như trước đây. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vissan Nguyễn Ngọc An cho biết: "Được hỗ trợ tích cực, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc di dời nhà máy giết mổ gia súc từ thành phố Hồ Chí Minh về Long An để tăng năng lực sản xuất và nâng cao hơn nữa chất lượng các dòng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa".
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên cho biết, ngành Công Thương hiện đang đóng góp khoảng 35,5% quy mô kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh. Vì thế, việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.