Thành phố Hồ Chí Minh: Huy động y tế tư nhân phòng, chống dịch

Tiếp tục thực hiện chủ trương sống chung an toàn với dịch Covid-19 và huy động thêm nguồn lực xã hội, thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi khối y tế tư nhân tham gia sâu hơn nữa vào công tác phòng, chống dịch. Thành phố đang tìm cơ chế để khối y tế tư nhân tăng cường hiệu quả cho hệ thống y tế cơ sở trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn là một trong những đơn vị y tế tư nhân tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn là một trong những đơn vị y tế tư nhân tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cần thiết phải bổ sung lực lượng

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có gần 90.000 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, có khoảng 70.000 bệnh nhân điều trị tại nhà và nơi cư trú; khoảng 20.000 bệnh nhân điều trị trong các cơ sở y tế. Để quản lý, theo dõi và điều trị cho số bệnh nhân này, thành phố đang dựa chủ yếu vào lực lượng y tế nhà nước, với 9.000 bác sĩ và trên 19.600 điều dưỡng. Tuy nhiên, lực lượng y tế nhà nước không chỉ có nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 mà còn đảm trách việc chăm sóc sức khỏe nói chung cho người dân.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng thông tin, thành phố hiện có 64 bệnh viện tư nhân, 215 phòng khám đa khoa và hơn 6.220 phòng khám chuyên khoa. Nếu lực lượng này tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ góp phần không nhỏ trong việc tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Trong các đợt dịch Covid-19 vừa qua, khối y tế tư nhân tại thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia phòng, chống dịch trên tinh thần tự nguyện, góp phần điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân. Tuy nhiên, theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Nhà nước chi trả 100% kinh phí điều trị bệnh nhân Covid-19. Với định mức khám, chữa bệnh của Nhà nước, các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 không đủ bù chi phí. Đơn cử,th eo quy định, chi phí sinh hoạt, tiền ăn của bệnh nhân là 120.000 đồng/người/ngày, nhưng trên thực tế, chi phí này cao hơn gấp nhiều lần.

Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn Đặng Văn Thanh cho rằng, nếu có cơ chế bù đắp phần nào khoản chi phí thực tế điều trị F0, y tế tư nhân có thể tham gia hiệu quả hơn. Còn chị Lưu Hoàng Như (ngụ tại phường 6, quận 8) chia sẻ: “Tôi đang là F0 điều trị tại nhà. Tôi muốn tự nguyện trả chi phí theo thỏa thuận để phòng khám gần nhà trực tiếp theo dõi, điều trị cho mình. Tôi rất mong có cơ chế để thực hiện việc này”.

Xây dựng cơ chế phù hợp

Để sớm bổ sung lực lượng y tế cho phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn kiến nghị UBND thành phố cho phép ngành Y tế thí điểm huy động y tế tư nhân tham gia chăm sóc, điều trị F0 tại bệnh viện, tại nhà hoặc các cơ sở cách ly tập trung có thu phí, trên cơ sở tự nguyện, có thỏa thuận giữa người bệnh và cơ sở cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Cụ thể, nếu cơ sở y tế tư nhân được đăng ký làm trạm y tế lưu động tại phường, xã, thị trấn, mỗi trạm có ít nhất 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng với đầy đủ trang thiết bị theo quy định thì có thể điều trị cho 50-100 F0. Trong trường hợp này, trung tâm y tế quận, huyện ký hợp đồng trách nhiệm với phòng khám tư nhân. Toàn bộ chi phí chăm sóc F0 sẽ do ngân sách nhà nước chi trả. Tiền công khám tại nhà là 27.500 đồng/lần khám, chi phí đi lại 20.000 đồng/lượt khám tại nhà, tiền công lấy mẫu xét nghiệm nhanh là 16.700 đồng/lần. Các chi phí khác đều do bảo hiểm y tế chi trả theo quy định.

Nếu F0 chọn bác sĩ tư nhân chăm sóc, tự thanh toán tiền khám, chi phí đi lại cho nhân viên y tế thì giá một lần khám tại nhà không quá 200.000 đồng. Nếu bệnh viện tư nhân tham gia thu dung, điều trị F0, phải được Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đồng ý bằng văn bản. Ngân sách nhà nước thanh toán chi phí điều trị, thuốc chữa Covid-19, chi phí cách ly y tế và mai táng. Bệnh viện được thu tiền theo giá thỏa thuận đối với một số chi phí phục vụ khác.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức cho biết, để góp phần cùng thành phố chống dịch, đơn vị vẫn duy trì cơ số giường phù hợp và sẵn sàng tiếp nhận điều trị F0. Còn Giám đốc Công ty TNHH Y khoa Hoàng Anh Dũng (Phòng khám Anh Dũng ở quận 12 và huyện Hóc Môn) Nguyễn Thị Luận cho rằng, với đề xuất mới nêu trên, cơ sở y tế tư nhân có thêm động lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, góp thêm cơ hội cho F0 được chăm sóc tốt hơn.

Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng nhấn mạnh: “Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thành phố đứng trước thách thức lớn về nhân lực chống dịch khi không còn chi viện từ Trung ương, đòi hỏi phải huy động toàn ngành, kể cả y tế tư nhân. Thành phố cần tạo cơ chế phù hợp để khối y tế tư nhân duy trì hoạt động và tham gia hiệu quả hơn vào công tác phòng, chống dịch Covid-19”.

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Thu Hoài

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1019516/thanh-pho-ho-chi-minh-huy-dong-y-te-tu-nhan-phong-chong-dich