Thành phố Hồ Chí Minh: Không ngừng đổi mới, sáng tạo, tăng trưởng

Sau 35 năm đổi mới, diện mạo đô thị thành phố Hồ Chí Minh thay đổi không ngừng, hạ tầng hoàn thiện, khang trang, đời sống người dân được nâng cao. Để xứng tầm là đầu tàu kinh tế của cả nước, mới đây, thành phố Thủ Đức đã được thành lập, hoạt động theo mô hình chính quyền đô thị với những cơ chế đặc thù, lấy đổi mới, sáng tạo làm động lực cho sự tăng trưởng nhằm tạo sự phát triển mang tính bứt phá.

Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng đổi mới, sáng tạo để xứng đáng là đầu tầu kinh tế của cả nước.

Diện mạo đô thị ngày càng khang trang

Anh Trần Trọng Tấn (kỹ sư xây dựng, ở phường Tân Thuận Đông, quận 7) cho biết, anh từ tỉnh Phú Yên vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp đã hơn 15 năm. Theo anh Tấn, trước năm 2010, việc di chuyển từ huyện Bình Chánh (phía Tây thành phố) đến quận 2 (nay thuộc thành phố Thủ Đức) phải mất hơn 1 giờ lái ô tô do đường nhỏ hẹp, quanh co và nhiều đoạn giao cắt. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, khi đại lộ Đông Tây (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) đi vào vận hành, người dân chỉ mất khoảng 30 phút để đi từ phía Tây sang phía Đông của thành phố. Chỉ trong một thập niên trở lại đây, diện mạo đô thị của thành phố Hồ Chí Minh thay đổi “chóng mặt”. Nhiều tuyến đường nội đô khang trang được hình thành như đại lộ Phạm Văn Đồng, đại lộ Mai Chí Thọ; nhiều tuyến đường được mở rộng như Xa lộ Hà Nội, Điện Biên Phủ (đoạn qua quận Bình Thạnh)...

“Dù sống liên tục ở thành phố Hồ Chí Minh hơn 15 năm, tôi vẫn choáng ngợp trước sự phát triển của thành phố, đặc biệt là về hạ tầng giao thông” - anh Trần Trọng Tấn chia sẻ.

Còn chị Bùi Thị Thu Trang (nhân viên văn phòng, làm việc tại phường Bến Thành, quận 1) cho biết, chị ở phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức, mỗi ngày phải vượt qua sông Sài Gòn để đi làm. Trước đây, chị Trang phải đi vòng qua cầu Sài Gòn, đến quận Bình Thạnh rồi mới tới quận 1. Nhưng từ năm 2011, khi hầm vượt sông Sài Gòn được đưa vào khai thác, từ thành phố Thủ Đức chị đi thẳng qua quận 1, quãng đường được rút ngắn gần 2km. “Hạ tầng giao thông phát triển đột phá giúp người dân thành phố được thuận lợi rất nhiều trong công việc, học tập, sinh hoạt” - chị Bùi Thị Thu Trang nhận xét.

Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện các thủ tục đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị (metro) theo quy hoạch với tổng chiều dài 169km; trong đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang được thi công khẩn trương. Dự kiến, tuyến metro số 1 sẽ đưa vào khai thác thương mại trong năm 2022. Với việc hình thành mạng lưới metro, hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố Hồ Chí Minh không ngừng hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hành khách với khối lượng lớn, qua đó góp phần đáng kể kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, cơ quan này đang phối hợp với ngành Giao thông các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đề xuất, kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm gồm: Đường Vành đai 3, Vành đai 4, cầu Cát Lái, mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, trục động lực kết nối thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang... “Hệ thống giao thông này sẽ phát huy tối đa vai trò đặc biệt của thành phố trong vùng thành phố Hồ Chí Minh” - ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh.

Hình thành hệ sinh thái kinh tế tri thức

Sau 35 năm đổi mới (1986 - 2020), kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng bình quân 9,3%/năm, cao hơn 1,4 lần so với mức bình quân của cả nước (6,54%/năm). Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2020, tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố chỉ cao hơn gần 1,2 lần mức bình quân cả nước. Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XI Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, thể chế phát triển của thành phố chưa hoàn toàn phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội của thành phố hiện nay; khoa học và công nghệ chưa phát huy được vai trò là động lực thực sự để nâng cao năng suất lao động.

Nhằm khắc phục những mặt còn hạn chế trên, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố (thành phố Thủ Đức). Ngày 9-12-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Thủ Đức sẽ là thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, động lực tăng trưởng 4.0, cực tăng trưởng mới của thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ năm 2018, Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thấy, sau 20 năm phát triển, ba quận 2, 9, Thủ Đức đã hình thành một số tiền đề, cấu phần quan trọng cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, đó là Khu công nghệ cao thành phố thu hút tổng nguồn vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD; Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy hoạch xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều trường đại học lớn khác. Cấu phần trên nằm trong một không gian địa lý đủ gần để có thể tạo sự tương tác mạnh, đủ điều kiện hình thành hệ sinh thái của kinh tế tri thức.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, việc thành lập thành phố Thủ Đức là hoài bão lớn của thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Thủ Đức rộng hơn 21.000ha, gấp hơn 50 lần quận 4, dân số hơn 1 triệu người. Cốt lõi của việc hình thành thành phố Thủ Đức là tạo ra một hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo trên nền tảng kinh tế tri thức từ các trụ cột sẵn có. Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Hồ Chí Minh, tương đương khoảng 7% GDP cả nước, trở thành cực tăng trưởng mới và quan trọng của thành phố.

Để phát huy tối đa tiềm năng, vai trò của thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đề ra 6 giải pháp gồm: Vận hành theo mô hình Chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16-11-2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh; cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng Chính quyền số (thành phố thông minh); xây dựng Hội đồng phát triển thành phố Thủ Đức gồm cấp ủy, chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trẻ, năng động, được đào tạo bài bản và có tinh thần vì dân phục vụ.

“Thành phố sẽ chủ động xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định. Trước mắt, căn cứ các quy định hiện hành, thành phố chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức để tạo tính đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành, hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” - Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/996384/thanh-pho-ho-chi-minh-khong-ngung-doi-moi-sang-tao-tang-truong