Thành phố Hồ Chí Minh: Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hiện giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và chiếm khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp cả nước. Công nghiệp hỗ trợ tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế, vì vậy thành phố Hồ Chí Minh đã, đang khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai nhiều gói hỗ trợ để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, tham gia ngành Công nghiệp hỗ trợ và gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai nhiều gói hỗ trợ để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, tham gia ngành Công nghiệp hỗ trợ và gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp hỗ trợ. Đơn cử, Công ty Lập Phúc cung cấp sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao cho Hãng Colgate (Mỹ); Công ty TNHH Sản xuất Hiệp Phước Thành và Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên tham gia vào chuỗi sản phẩm của Samsung; Công ty Cao su TNHH một thành viên Thống Nhất và Công ty TNHH CNS Amura Precision sản xuất linh kiện nhựa cho nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của các công ty ô tô toàn cầu… Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố Hồ Chí Minh, sản xuất công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thành phố.

Về nhận định này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố chủ yếu phục vụ sản xuất sản phẩm với công nghệ đơn giản, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu của thành phố chậm chuyển đổi mô hình hoạt động, còn thâm dụng lao động, tỷ lệ nội địa hóa chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là nhập khẩu; chưa tạo ra hệ sinh thái đồng bộ, kết nối trong chuỗi các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Lý giải về nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển đúng tầm, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong 18 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất cũng như tiêu chí, đối tượng nhà đầu tư cần thu hút không phù hợp với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, hầu hết các khu không quy hoạch diện tích nhỏ cho nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, một số khu có cho thuê đất diện tích nhỏ thì giá cho thuê quá cao, không phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cơ khí Duy Khanh Đỗ Phước Tống nhận định, việc thiếu vốn; khó khăn trong chi dùng quỹ phát triển công nghệ; khó khăn trong lựa chọn và ứng dụng công nghệ mới khiến các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh khó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Để khai thác tiềm năng và thế mạnh công nghiệp hỗ trợ, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ là rất cấp thiết. Thành phố cần bổ sung cơ chế, chính sách kêu gọi vào khu công nghiệp phải thêm đối tượng sản xuất sản phẩm thông thường nhưng sử dụng vật liệu, thiết bị, giải pháp công nghệ cao. Mặt khác, cho phép doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách ưu đãi và góp phần tăng nhanh tỷ trọng công nghệ cao...

Theo Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cơ khí Duy Khanh Đỗ Phước Tống, nhiều tập đoàn sản xuất lớn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng quy mô, tăng cường nội địa hóa để giảm chi phí và hạn chế rủi ro, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều kiện nắm bắt cơ hội này là doanh nghiệp được hỗ trợ để hiện đại hóa, nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới sản xuất công nghệ cao.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ, Giám đốc Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc Byun Ki Jung nhấn mạnh, ngoài những chính sách hỗ trợ vốn, chi phí đầu tư, mặt bằng cho doanh nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh cần có những chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo chi phí nghiên cứu; tăng cường sự ổn định cung cấp nguyên vật liệu nội địa, mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng mô hình hợp tác toàn cầu và hỗ trợ tạo ra khu phức hợp chuyên biệt cho công nghiệp hỗ trợ.

Về vấn đề này, UBND thành phố Hồ Chí Minh thông tin, đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố đề án hình thành “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nêu rõ: “Thành phố đã ấp ủ từ lâu việc hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao và đã chuẩn bị hơn 300ha đất để hình thành khu công nghiệp này. Cùng với những chính sách hỗ trợ khác, khu công nghiệp này sẽ giúp hình thành những doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, cùng liên kết để cung cấp sản phẩm ứng dụng công nghệ cao cho công nghiệp hỗ trợ”.

Nam Trung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1021410/thanh-pho-ho-chi-minh-khuyen-khich-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro