Thành phố Hồ Chí Minh: Kiến tạo thêm không gian văn hóa xứng tầm

Là thành phố trẻ, năng động bậc nhất cả nước, bên cạnh sự sôi động của hoạt động kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh mong muốn trở thành thành phố văn hóa. Vì vậy, thành phố đang kiến tạo thêm các không gian văn hóa mang bản sắc riêng, tương tác cao, để xứng đáng là thành phố hiện đại, văn minh...

Khu vực Hồ Con Rùa (quận 3) sẽ trở thành phố đi bộ với nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức.

Chưa có nhiều không gian văn hóa

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như Bến Nhà Rồng, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, tòa nhà Bưu điện trung tâm thành phố, Nhà hát thành phố… Thành phố cũng có những không gian văn hóa như: Phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện (quận 1), Đường sách thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1), Công viên Bến Bạch Đằng (quận 1); Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1); Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11)…

Tuy vậy, không gian văn hóa của thành phố còn đơn điệu. Sinh viên Nguyễn Thị Lan (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét, thành phố Hồ Chí Minh tuy rộng lớn nhưng chỉ cần một buổi sáng là có thể tham quan hết các địa điểm lịch sử, văn hóa ở khu vực trung tâm. “Em mong muốn thành phố có nhiều không gian văn hóa hơn nữa, để người dân và du khách xem thành phố là địa điểm khám phá thú vị”, sinh viên Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Ở một điểm nhìn khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương nhận định, không gian văn hóa công cộng của thành phố chưa phát huy hết chức năng để thu hút người dân, chẳng hạn phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn thiếu các tác phẩm nghệ thuật công cộng phục vụ cộng đồng. Còn Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, người dân thành phố và du khách mong thành phố có bản sắc riêng, mang dấu ấn văn hóa bản địa nhiều hơn, tương tác cộng đồng tốt hơn.

Hiện không gian văn hóa công cộng ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được quy hoạch bài bản, quản lý và phát triển đúng tầm, tương xứng với tốc độ đô thị hóa và tầm nhìn trong chiến lược phát triển thành phố.

Xây dựng thành phố văn hóa

Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh là một phần rất quan trọng, là sức mạnh tinh thần đặc trưng, do đó cần xây dựng nơi đây trở thành thành phố văn hóa. Để tạo ra không gian văn hóa mới, Phó Chánh văn phòng Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Huỳnh Xuân Thụ cho biết, thành phố đã có dự án sẽ xây dựng một quảng trường lớn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), dự kiến đặt tên là Quảng trường Hồ Chí Minh. Ngoài phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại, đây còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn.

Thành phố cũng sẽ xây dựng cầu dành cho người đi bộ nối Quảng trường Hồ Chí Minh với khu vực tượng Trần Hưng Đạo (quận 1); tiếp tục “nối dài” hai phố đi bộ tại quận 1. UBND quận 3 đã thống nhất chủ trương xây dựng hai tuyến phố đi bộ là phố đi bộ Hồ Con Rùa và Nguyễn Thượng Hiền. Riêng phố đi bộ Hồ Con Rùa sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử, chương trình nghệ thuật phục vụ thiếu nhi vào hai ngày cuối tuần; những ngày khác sẽ biểu diễn nhạc nước, múa rối nước… Điều này nhằm tạo sự đa dạng trong nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng bày tỏ mong muốn thành phố có lộ trình và giải pháp đồng bộ nhằm kiến tạo không gian công cộng của thành phố. Trong đó, nhấn mạnh thông điệp kiến tạo không gian văn hóa cộng đồng phải tôn tạo được bản sắc riêng, xem đó là tài sản văn hóa và hệ sinh thái văn hóa bền vững của thành phố. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Trần Thế Thuận cho biết, thành phố đang tập trung xây dựng theo 6 chương trình đề án gồm: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đề án phát triển văn hóa; đề án xây dựng gia đình hạnh phúc; đề án tổ chức lễ hội và sự kiện; xây dựng bộ tiêu chí ứng xử trong cộng đồng; bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Còn Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thành phố cho biết, xây dựng không gian văn hóa công cộng xứng tầm với sự phát triển của thành phố hiện nay và tương lai là nhiệm vụ hệ trọng, vừa lâu dài, vừa cấp bách. Việc phát triển hệ thống không gian văn hóa công cộng được đặt trong tổng thể chiến lược, kế hoạch phát triển thành phố trên nền tảng văn hóa đa dạng, phong phú, xứng đáng với thành phố mang tên Bác. “Để thực hiện điều này, thành phố sẽ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của nhân dân thành phố với hệ thống giải pháp đồng bộ, căn cơ, hiệu quả”, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho hay.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/985450/thanh-pho-ho-chi-minh-kien-tao-them-khong-gian-van-hoa-xung-tam