Thành phố Hồ Chí Minh: Linh hoạt mở, đóng các loại hình dịch vụ theo tình hình dịch Covid-19

Triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, kiểm soát dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép nhiều loại hình dịch vụ được hoạt động trở lại. Cùng với đó, thành phố cũng quyết định tạm dừng một số loại hình dịch vụ khác, khi xuất hiện nguy cơ lây nhiễm cao.

Sau khi thí điểm tại quận 7 và thành phố Thủ Đức, các hàng ăn trên toàn thành phố Hồ Chí Minh được mở đến 22h và bán đồ uống có cồn từ ngày 18-11.

Ngày 18-11 là ngày đầu tiên, các quán ăn trên toàn thành phố Hồ Chí Minh được bán đồ uống có cồn. Đây là việc thực hiện chủ trương của thành phố về mở dần các hoạt động xã hội theo hướng thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19, sau khi quận 7 và thành phố Thủ Đức đã có 15 ngày thí điểm mở cửa thành công loại hình dịch vụ này.

Bà Trương Ngọc Mỹ, chủ quán ăn trên đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, vui vẻ nói: “Tôi bán đồ nướng. Việc hàng ăn được bán đồ uống có cồn sẽ thu hút được nhiều khách hơn. Quán sẽ chú trọng việc giãn cách các bàn ăn và đóng cửa trước 22h đúng theo quy định mới”.

Còn ông Vũ Nghĩa Khang, chủ quán ốc trên đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè chia sẻ: “Tôi đã chuẩn bị người làm và kê thêm bàn ghế để đón khách tối nay. Chính quyền địa phương cũng nhắc nhở thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng dịch. Việc thành phố nới lỏng các hoạt động dịch vụ đã tạo thuận lợi hơn cho người kinh doanh hàng ăn như tôi”.

Chiều tối 18-11, các cửa hàng bán đồ ăn tại thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng đón thực khách.

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, sau khi ngành Công Thương phối hợp với Ban An toàn vệ sinh thực phẩm và các cấp chính quyền địa phương tổ chức thí điểm thành công việc bán đồ uống có cồn tại quận 7 và thành phố Thủ Đức, UBND thành phố mới cho phép mở rộng loại hình kinh doanh này ra toàn thành phố. Các điểm kinh doanh tại vùng xanh và vàng được hoạt động đủ công suất. Tại vùng cam, hoạt động 50% công suất phục vụ. Vùng đỏ không được hoạt động.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành triển khai hiệu quả công việc này”, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc nói.

Cũng từ ngày 18-11, lượng xe ôm công nghệ hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh đã đông hơn trước đó 1 ngày, khi các hãng xe công nghệ được phép hoạt động với 50% số xe đăng ký. Tài xế các hãng như Grap, Bee, Gojeck… đều chạy trên đường đón khách và chở hàng.

Xe ôm công nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh được hoạt động trở lại với 50% số xe đăng ký.

Anh Trương Trung Dũng, ngụ tại đường Phạm Thế Hiển, quận 8, là tài xế hãng Grab chia sẻ: "Tôi đã tiêm đủ vắc xin phòng dịch nên được hoạt động sau nhiều tháng nghỉ việc do dịch Covid-19. Tôi rất mừng vì đây là nguồn thu nhập đáng kể của bản thân và gia đình".

Còn chị Phạm Thu Dung, khách đi xe, cho biết: “Có thêm xe ôm công nghệ, tôi có thêm lựa chọn khi đi lại. Trước khi lên xe, tài xế xe ôm còn đưa nước sát khuẩn để tôi dùng và khuyến cáo nên dùng ví điện tử Momo để trả tiền, hạn chế dùng tiền mặt. Tôi thấy việc này rất tốt”.

Quyết định 3900/QĐ-UBND của UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng cho nhiều loại hình dịch vụ khác được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ngay trong chiều 18-11, UBND thành phố đã ban hành văn bản khẩn, tạm dừng hoạt động các quán bar, vũ trường, karaoke, massage, spa chỉ sau 1 ngày cho phép các loại hình này hoạt động trở lại. Văn bản do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức ký ban hành nêu rõ: Việc tạm dừng hoạt động các loại hình kinh doanh này do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trên địa bàn thành phố.

Chiều 18-11, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản khẩn tạm dừng kinh doanh karaoke, bar, spa, massage.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải dẫn chứng, thành phố vẫn có khoảng 1.200 ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày. Số bệnh nhân đang thở máy tăng liên tục trong 4 ngày qua, từ 258 bệnh nhân ngày 14-11 lên 302 bệnh nhân vào ngày 17-11. Số ca tử vong trung bình 37 ca/ngày trong 3 ngày qua, nên việc “tắt - mở” các loại hình dịch vụ theo tình hình dịch bệnh là cần thiết.

“Quyết định 3900/QĐ-UBND quy định khung tiêu chí chung về các hoạt động xã hội theo các cấp độ dịch. Một số loại hình kinh doanh đặc thù có nguy cơ lây nhiễm cao được xem xét, đánh giá thường xuyên hơn. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh rất mong các hộ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh các loại hình dịch vụ nêu trên cảm thông và hợp tác cùng chính quyền và người dân thành phố để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn”, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Thu Hoài – An Tôn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1017779/thanh-pho-ho-chi-minh-linh-hoat-mo-dong-cac-loai-hinh-dich-vu-theo-tinh-hinh-dich-covid-19