Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực giải ngân vốn ODA

Năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh được bố trí nhiều vốn vay ODA nhất cả nước, nhưng tỷ lệ giải ngân trong 6 tháng đầu năm lại thấp so với cả nước. Hiện thành phố đang phối hợp với các bộ, ngành trung ương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA trong 6 tháng cuối năm.

Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng tốc giải ngân vốn ODA tại dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Chậm giải ngân các dự án lớn

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 9 dự án ODA, trong đó có 6 dự án nhóm A và 3 dự án nhóm B. Tổng mức đầu tư của 9 dự án là 122.567 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 102.000 tỷ đồng, vốn đối ứng gần 20.000 tỷ đồng. Các dự án này tập trung vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, chống ngập và cải thiện môi trường thành phố.

Tuy nhiên, tính đến tháng 6-2020, thành phố Hồ Chí Minh mới giải ngân được khoảng 1/5 kế hoạch giao vốn năm 2020. Theo Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh Phạm Thị Hồng Hà, tốc độ giải ngân vốn ODA chậm là do các dự án đều chậm tiến độ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giải phóng mặt bằng và vướng một số thủ tục điều chỉnh vốn. Cụ thể, tính đến hết tháng 6-2020, dự án Giao thông xanh chỉ giải ngân được 1% trong 4 năm qua và có thể sẽ bị rút vốn tài trợ. Với dự án Vệ sinh môi trường thành phố Hồ Chí Minh, dự án Giảm thất thoát nước…, các nhà thầu đều chậm tiến độ thi công.

Trước thực tế trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh xác định tăng cường giải ngân vốn ODA ngay trong năm 2020 ở các dự án đường sắt đô thị (Metro) là khả thi nhất, qua đó, có thể tăng mạnh tỷ lệ giải ngân vốn ODA chung của thành phố. Về quy mô 2 dự án này, Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) Bùi Xuân Cường thông tin, dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư (đã điều chỉnh) hơn 43.757 tỷ đồng, còn dự án Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng giai đoạn 1.

Điểm nghẽn hiện tại của tuyến Metro số 1 là do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Nhật Bản nên các chuyên gia Nhật Bản chưa thể nhập cảnh Việt Nam để thực hiện phần việc chuyên môn, kỹ thuật còn lại của các gói thầu. Hơn nữa, thành phố Hồ Chí Minh còn phải chờ các bộ, ngành trung ương thống nhất tiền vay, trả dự án này là tiền yên Nhật hay đồng Việt Nam. Còn tuyến Metro số 2 phải tăng mức tiền đền bù giải phóng mặt bằng thêm 500 tỷ đồng, cần chờ ý kiến của Quốc hội xem xét, quyết định. Ngoài ra, một số gói thầu bị hủy, phải đấu thầu lại. “Nếu các vướng mắc, kiến nghị được giải quyết, đến hết tháng 7-2020, thành phố sẽ giải ngân vốn ODA được khoảng 7.630 tỷ đồng, đạt 53,76% so với kế hoạch và tiếp tục có đà phấn đấu đạt mức cao nhất hoàn thành chỉ tiêu giải ngân năm 2020”, bà Phạm Thị Hồng Hà khẳng định.

Phối hợp tháo gỡ khó khăn

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, việc tăng tỷ lệ giải ngân vốn ODA của thành phố Hồ Chí Minh hiện rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Phương án giải quyết hiệu quả nhất là lùi tiến độ những dự án không thể hoàn tất trong năm 2020 và đẩy mạnh giải ngân với những dự án có triển vọng tốt như tuyến Metro số 1 và Metro số 2.

Thực hiện chủ trương này, ngày 10-7 vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã trình HĐND thành phố thống nhất trình Chính phủ cho gia hạn thời gian thực hiện 3 dự án nhóm A sử dụng vốn ODA. Cụ thể, với dự án Xe buýt nhanh BRT được Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư 142,5 triệu USD, gia hạn đến năm 2023 thay vì năm 2020. Với dự án Vệ sinh môi trường thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2, có tổng vốn vay 450 triệu USD từ WB, lùi thời gian vận hành thử từ năm 2019 sang năm 2024 và vận hành chính thức lùi từ năm 2024 đến năm 2029. Với dự án Giảm thất thoát nước được Ngân hàng Phát triển châu Á cho vay 138 triệu USD, đề xuất gia hạn thời gian đến ngày 30-6-2024 thay vì thời hạn ngày 30-6-2020 như đã được phê duyệt. “Những dự án trên chưa thể thực hiện, nên nguồn vốn đối ứng sẽ được dồn vào thực hiện các dự án khả thi hơn”, ông Võ Văn Hoan nói.

Về dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, các chuyên gia Nhật Bản sẽ được nhập cảnh vào Việt Nam cùng thời điểm đón các đoàn tàu trên tuyến về bến để vận hành thử trong tháng 10-2020 và đưa vào khai thác trong năm 2021. Về việc xác định đồng tiền thanh toán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Chính phủ đã đồng ý tính tiền vay và trả bằng đồng yên Nhật.

Với dự án Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong lúc chờ Quốc hội xem xét, thông qua khoản 500 tỷ đồng tăng thêm cho giải phóng mặt bằng, thành phố tiếp tục chủ động thực hiện các phần việc còn lại để khởi công công trình trong tháng 10-2020. “Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực cao nhất để tăng tỷ lệ giải ngân vốn ODA trong 6 tháng cuối năm 2020”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Phương Nam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/972611/thanh-pho-ho-chi-minh-no-luc-giai-ngan-von-oda