Thành phố Hồ Chí Minh: Tận dụng các nguồn lực từ kiều bào
Nguồn lực trí thức và kinh nghiệm thực tiễn được tiếp thu tại các nước phát triển, cùng với nguồn kiều hối mà kiều bào chuyển về nước là những 'tài sản' rất lớn góp phần vào sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, lãnh đạo thành phố luôn mong muốn chào đón kiều bào về nước đầu tư; lắng nghe; tiếp thu các đề xuất, hiến kế để tận dụng các nguồn lực từ kiều bào, góp phần xây dựng, phát triển thành phố.
Lượng kiều hối tăng 9%
Với tinh thần “đồng hành cùng Tổ quốc”, thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã luôn động viên, ủng hộ, chia sẻ, hỗ trợ đồng bào trong nước triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, kiều bào từ khắp nơi trên thế giới đã ủng hộ thành phố Hồ Chí Minh nhiều tỷ đồng mua vắc xin phòng Covid-19, cùng nhiều hình thức hỗ trợ khác.
Đặc biệt, trong năm 2021, dù thế giới và Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng lượng kiều hối gửi về thành phố Hồ Chí Minh vẫn tăng 9% so với năm 2020 (đạt khoảng 6,6 tỷ USD, bằng khoảng 1/3 cả nước). Ông Nguyễn Hoàng Minh, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách xã hội thời gian dài để phòng, chống dịch Covid-19 nên cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã tăng cường chuyển tiền về hỗ trợ người thân. Dù ở đâu, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Việt cũng luôn hướng về Tổ quốc.
Theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, lượng kiều hối về thành phố năm 2021 tập trung nhiều vào hỗ trợ công tác an sinh xã hội, phần còn lại đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng trưởng 6-6,5%, dự báo lượng kiều hối về thành phố tiếp tục tăng và dịch chuyển mạnh vào sản xuất, kinh doanh.
Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh Phùng Công Dũng cho biết, các nguồn lực từ kiều bào ngày càng được phát huy mạnh mẽ, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực từ “cánh tay nối dài” này cần được phát huy nhiều hơn nữa.
Chào đón kiều bào đầu tư
Giáo sư Hà Tôn Vinh (Việt kiều Mỹ) cho biết, ông sống ở Mỹ hơn 50 năm và nhiều lần về Việt Nam, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh. Ông nhận thấy người Việt Nam thông minh, tiếp cận khoa học, công nghệ rất nhanh nhạy, đặc biệt là thế hệ trẻ. Giáo sư Hà Tôn Vinh nhận định: "Chúng ta có đầy đủ nguồn nhân lực, trí lực để tận dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tạo động lực cho tăng trưởng".
Đồng tình với nhận định trên, PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Đại học Quốc gia Singapore (thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh cần đi đầu trong ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý, điều hành bởi đã hội đủ các điều kiện. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là công tác quản trị, từ chiến lược, cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, chính sách đãi ngộ đến con người văn hóa.
“Năm yếu tố trên ở thành phố Hồ Chí Minh đều có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua nhưng chưa đạt đến độ chín để tạo bứt phá. Chính vì vậy, cơ chế đặc thù mà thành phố cần đề xuất Trung ương hỗ trợ phải đặt trọng tâm vào vấn đề này, tức là phải xây dựng hệ thống quản trị hiện đại, ngang tầm với các nước tiên tiến”, PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh, đồng thời đề xuất mô hình 3 tuyến phòng vệ: “Kiểm soát nội bộ; thanh tra, kiểm tra; kiểm toán chiến lược” để khuyến khích công chức, viên chức, người lao động dám nghĩ dám làm, góp sức phát triển thành phố.
Nhiều kiều bào cũng cho rằng, cần đưa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo hướng vùng kinh tế cộng hưởng “thành phố Hồ Chí Minh+6” (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang). Với quy mô kinh tế tương đương 100 tỷ USD, cùng 20 triệu dân, lại tập trung nhân lực chất lượng cao của cả nước, vùng này phải có cơ chế để tạo sức hút quốc tế, liên kết phát hành trái phiếu để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng phát triển kinh tế, giữ vai trò cực tăng trưởng của cả nước.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, hiện có 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó 80% ở các nước phát triển. Nguồn lực trí thức kiều bào cùng kinh nghiệm thực tiễn tại các nước là tài nguyên quý báu mà thành phố rất cần cho quá trình phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh luôn trân trọng, tiếp thu các ý kiến, hiến kế cũng như chào đón kiều bào đầu tư vào thành phố với các chính sách thông thoáng, thuận lợi nhất.