Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra an toàn phòng dịch trong trường học

Bước sang tuần thứ 2 thí điểm dạy và học trực tiếp với học sinh lớp 9 và 12, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành của thành phố Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra thực tế để đúc rút kinh nghiệm. Thành phố phấn đấu mở rộng quy mô các khối lớp học trực tiếp từ ngày 3-1-2022.

 Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức trao đổi với học sinh Trường THPT Trưng Vương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức trao đổi với học sinh Trường THPT Trưng Vương.

Ngày 21-12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã dẫn đầu đoàn kiểm tra của thành phố đến giám sát tình hình dạy và học trực tiếp đối với học sinh khối lớp 12 tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1).

Báo cáo với đoàn công tác, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương Trương Bích Thủy cho biết, sau một tuần tổ chức cho học sinh học trực tiếp trở lại, tỷ lệ học sinh đến trường gần như đạt 100%. Trước đó, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có khoảng 50% phụ huynh học sinh đồng ý cho con đi học.

“Trong tuần đầu thí điểm dạy và học trực tiếp, nhà trường phát hiện 1 trường hợp F0 và 2 F1 là học sinh. Các trường hợp trên đã được xử lý theo đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan y tế. Hiện tại sức khỏe học sinh đã ổn định. Các lớp học vẫn diễn ra bình thường. Phụ huynh học sinh ủng hộ nhà trường dạy và học trực tiếp”, cô giáo Trương Bích Thủy nói.

Chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh, quan điểm của thành phố là cố gắng tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho học sinh được đến trường. Sau 2 tuần thí điểm dạy và học trực tiếp, thành phố sẽ xem xét, đánh giá, qua đó cân nhắc triển khai mở rộng dần việc đến trường với các khối lớp còn lại.

Tại các quận, huyện, công tác kiểm tra cũng thường xuyên diễn ra. Phó Chủ tịch UBND quận 5 Nguyễn Xuân Kỳ cho biết, qua kiểm tra, các trường đều tuân thủ tốt quy trình phòng, chống dịch; phân luồng ra vào trường từ các hướng khác nhau; trang bị đủ thiết bị đo thân nhiệt, nước rửa tay; diễn tập các phương án khi phát hiện ca nghi nhiễm hoặc đã nhiễm bệnh.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với ngành Y tế giải quyết đề xuất của các trường về cung cấp kit test cho việc tầm soát Covid-19 với các F1 và giúp các trường giải quyết vấn đề sĩ số lớp đông, số phòng học ít, khó giãn cách học sinh đúng quy định”, ông Nguyễn Xuân Kỳ thông tin.

 Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) đi học trực tiếp.

Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) đi học trực tiếp.

Về phía Sở Y tế, sau 1 tuần phối hợp với ngành Giáo dục triển khai công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi dạy và học trực tiếp, Sở đã phát hành tài liệu các bước xử lý khi có F0 trong trường học. Tài liệu dưới dạng tờ rơi hướng dẫn 4 bước xử lý từ cơ sở mầm non đến đại học, giúp các trường và các phụ huynh căn cứ thực hiện, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm việc dạy và học ít bị ảnh hưởng nhất có thể.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng Trịnh Duy Trọng thông tin, thành phố đã ghi nhận 34 F0 tại trường học, trong đó có 4 giáo viên, 3 nhân viên, 27 học sinh. Tất cả các tình huống đều nằm trong dự liệu, được các cơ sở giáo dục xử lý theo đúng quy định.

Trước việc giáo viên chia đôi giờ dạy, dạy luân phiên giữa 2 lớp, ông Trọng cho hay, trong quá trình phòng, chống dịch, việc tách đôi lớp khiến việc dạy học gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả tiết dạy. Tuy nhiên, trong điều kiện thành phố ưu tiên thích ứng với dịch bệnh khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục sẽ khắc phục những khó khăn này, hướng đến dần trở lại tổ chức dạy học bình thường.

 Cẩm nang hướng dẫn 4 bước xử lý khi phát hiện F0 trong trường học.

Cẩm nang hướng dẫn 4 bước xử lý khi phát hiện F0 trong trường học.

Tại quận 10, địa phương duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh đang ở nguy cơ cấp độ 3 (vùng cam), Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp với địa phương và các trường trên địa bàn tổ chức linh hoạt các lớp học theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. “Sở đã có văn bản hướng dẫn các trường và các địa phương thực hiện Quyết định 3900 của UBND thành phố Hồ Chí Minh, quy định hình thức dạy học từ số tiết đến quy mô tương ứng với từng cấp độ dịch, sao cho phù hợp với cấp độ dịch, đảm bảo vấn đề chuyên môn”, ông Trịnh Duy Trọng thông tin.

Theo kế hoạch, thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thí điểm việc dạy và học trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12 đến ngày 25-12. Sau thời gian này, ngành Giáo dục và Y tế sẽ đánh giá kết quả để tham mưu cho UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định mở rộng quy mô hoặc cho học sinh toàn thành phố tới trường từ ngày 3-1-2022.

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Bích Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1020600/thanh-pho-ho-chi-minh-tang-cuong-kiem-tra-an-toan-phong-dich-trong-truong-hoc