Thành phố Hồ Chí Minh: Tiếng Anh không phải là chuyện dễ
Thuận lợi không ít, nhưng khó khăn cũng không nhỏ cho thầy và trò Thành phố Hồ Chí Minh trong việc dạy và học Tiếng Anh hiện nay.
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030, 80% học sinh trung học phổ thông có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ, tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh).
Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đề ra nhiều giải pháp, trong đó thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo...; khuyến khích dạy học một số môn khoa học bằng ngoại ngữ trong giáo dục phổ thông...
Trên thực tế, đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá như thế nào về thuận lợi và khó khăn của học sinh Thành phố trong việc học ngoại ngữ (chủ yếu môn tiếng Anh) hiện nay?
Thuận lợi cho phát triển môn học Tiếng Anh
Từ năm 1999, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong việc dạy chương trình tiếng Anh tăng cường cho học sinh lớp 1 và mang lại hiệu quả tốt. Những năm qua, các trường trung học cơ sở tuyển sinh lớp 6 chương trình tăng cường ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Hàn).
Chẳng hạn, Chương trình tăng cường tiếng Anh tại các quận huyện tiếp nhận học sinh đã được công nhận hoàn thành chương trình cấp tiểu học và có điểm kiểm tra công nhận trình độ từng kỹ năng ở lớp 5 đạt từ 6 điểm trở lên (do quận, huyện tự tổ chức) hoặc có điểm toàn năm từng kỹ năng từ 6 điểm trở lên (đối với quận, huyện không tổ chức kiểm tra công nhận trình độ).
Hoặc có trình độ A2 theo khung CEFR như chứng chỉ Cambridge Flyer đạt 10/15 khiên hoặc TOEFL Primary Step 2 đạt 3/5 huy hiệu, hoặc cấp độ Breakthrough 48-53 (Breakthrough pass) của PTE Young Learners.
Chương trình tiếng Anh tích hợp nhận học sinh hoàn thành chương trình tiểu học theo Chương trình tích hợp hoặc chương trình tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có đủ năng lực tiếng Anh theo quy định trình độ đủ điều kiện theo học ở bậc trung học cơ sở. Tương tự, một số trường trung học phổ thông cũng tuyển lớp 10 Chương trình tiếng Anh, tích hợp, tăng cường tiếng Trung...
Thứ hai, chia sẻ lí do học sinh Thành phố Hồ Chí Minh luôn có kết quả thi tiếng Anh cao nhất, ông Lê Hồng Sơn (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết Thành phố luôn tiên phong thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục.
Không chỉ triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả và mở rộng chương trình giáo dục tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế, Thành phố đặc biệt chú trọng mục tiêu phát triển năng lực cần thiết cho học sinh thời toàn cầu hóa.
Cùng với đó, trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ được cấp phép chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã trên 1.000 (thời điểm tháng 3/2022) - điều này cho thấy phụ huynh rất đầu tư cho con em học tiếng Anh.
Bên cạnh đó, hiện Thành phố có khoảng hơn 20 trường quốc tế, học sinh học ở những ngôi trường này đa số đều giỏi tiếng Anh. Chương trình học bài bản, khoa học, môi trường học chuẩn quốc tế chính là yếu tố chiến lược giúp học sinh học tập hiệu quả.
Những thuận lợi kể trên giúp Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về điểm trung bình môn tiếng Anh năm thứ 5 liên tiếp - từ năm 2018 đến 2022.
Theo dữ liệu điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào thời điểm cuối tháng 7/2022, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất toàn quốc với 6,4 điểm.
Thành phố Hồ Chí Minh có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất toàn quốc là phù hợp với thực tế dạy và học ngoại ngữ hiện nay. Bởi lẽ, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị lớn nhất nước, có nền kinh tế phát triển, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học hiện đại, có nhiều giáo viên giỏi và học sinh ham học, có ý thức cầu tiến.
Khó khăn vẫn là thiếu giáo viên Tiếng Anh
Thứ nhất, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai địa phương có số học sinh đông nhất cả nước, cùng lúc thực hiện nhiều đề án về nâng cao năng lực ngoại ngữ nhưng luôn trong tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh từ nhiều năm qua, nhất là bậc tiểu học.
Một trong những lý do đó là nhiều giáo sinh được đào tạo chuyên môn tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn nhưng khi ra trường, nhiều người đã chọn dạy ở trường tư thục hoặc các trung tâm ngoại ngữ.
Nguyên nhân chính khiến thiếu giáo viên Tiếng Anh, đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra là vì thu nhập thấp, trong khi khối lượng công việc lại nhiều. Lương giáo viên Tiếng Anh mới ra trường chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng nhưng mỗi tuần có tới 23 tiết dạy bắt buộc.
Thứ hai, năm học 2022-2023, toàn Thành phố tăng khoảng 22 ngàn học sinh. Số học sinh tăng nhiều ở cấp tiểu học, tập trung tại thành phố Thủ Đức và một số quận, huyện như: Quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Sĩ số lớp học đông, có khi lên đến trên 50 học sinh/lớp, khiến việc dạy và học trong đó có môn Tiếng Anh gặp rất nhiều khó khăn. Muốn dạy và học Tiếng Anh hiệu quả, sĩ số lớp học lí tưởng khoảng dưới 35 học sinh.
Hầu hết các trường phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đều tổ chức cho học sinh học Tiếng Anh với người nước ngoài, nhưng sĩ số lớp học quá đông, trong khi các em chỉ được học 2 tiết/tuần nên việc luyện nghe nói cũng chỉ "cưỡi ngựa xem hoa".
Thầy Nguyễn Đ.H., giáo viên Tiếng Anh một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thầy làm chủ nhiệm câu lạc bộ tiếng Anh có 25 học sinh thì chỉ có 4 em giao tiếp ở mức khá tốt, số còn lại nói bập bẹ.
Cũng theo thầy H., học sinh một số trường tốp đầu ở các quận nội thành học tốt nên giao tiếp tiếng Anh khá tốt. Còn những huyện ngoại thành tuyển sinh đầu vào điểm tiếng Anh chỉ dao động ở mức 3, 4 điểm, cho dù có luyện 3 năm cấp 3 cũng khó cải thiện chất lượng.
Thầy H. lấy minh chứng, điểm thi lớp 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2022-2023 có sự chênh lệch giữa số thí sinh điểm cao và thí sinh điểm thấp. Trong đó, môn Tiếng Anh có trên 45% thí sinh đạt điểm dưới 5.
"Chương trình cũ và chương trình mới vẫn dạy học sinh thiên về ngữ pháp cho nên kỹ năng nghe, nói của các em rất yếu kém. Nhiều học sinh giao tiếp tốt với người bản ngữ là nhờ các em đi học ở các trung tâm ngoại ngữ.
Học sinh muốn giao tiếp tốt thì phải được học với giáo viên bản ngữ, phải được luyện tập nghe nói thường xuyên. Nói chung, học sinh phải có môi trường giao tiếp thì mới có thể nghe, nói tốt. Còn các em chỉ học trên sách vở thì chỉ dừng ở việc biết lý thuyết cơ bản", thầy H. thẳng thắn nói.
Và như vậy, mục tiêu 80% học sinh trung học phổ thông có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ, tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) là quãng đường gian nan cần rất nhiều đổi mới trong cách dạy và học, mô hình thu hút học sinh và giáo viên trong việc học Tiếng Anh.