Thành phố Hồ Chí Minh: Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư

Chiều 11/9, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để khảo sát kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cho biết, sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, hoạt động xuất bản của TPHCM đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển nhanh về quy mô, số lượng, chất lượng xuất bản phẩm được nâng cao, góp phần đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.

Hiện nay, TPHCM có 2 nhà xuất bản (NXB) do Thành phố quản lý là NXB Tổng hợp TPHCM và NXB Trẻ, 4 NXB thuộc các trường đại học (Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Công nghiệp TPHCM và Đại học Sư phạm TPHCM), 4 văn phòng đại diện NXB nước ngoài và 28 chi nhánh NXB Trung ương, địa phương; 1.360 doanh nghiệp in, chiếm gần 2/3 số doanh nghiệp hoạt động in của cả nước. Thành phố có 1.509 thư viện địa phương và hệ thống thư viện tại các trường từ phổ thông đến đại học.

Đồng chí Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, chia sẻ về tình hình hoạt động của xuất bản TPHCM trong 20 năm qua

Đồng chí Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, chia sẻ về tình hình hoạt động của xuất bản TPHCM trong 20 năm qua

Theo, hoạt động xuất bản của thành phố có 3 điểm nổi bật, cụ thể: các ấn phẩm được xuất bản và phát hành chuyển tải nội dung, tư tưởng theo đúng tôn chỉ, mục đích của giấy phép hoạt động xuất bản; hình thức thể hiện đa dạng với các sản phẩm sách in, sách điện tử; năng lực tổ chức bản thảo tốt, đề tài ngày càng phong phú, xuất bản phẩm chất lượng cao.

Một điểm nổi bật khác của xuất bản TPHCM là chủ trương huy động các nguồn lực xã hội, là cơ chế mở nhằm phát triển sự nghiệp xuất bản, in, phát hành; hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ văn hóa tinh thần cho người dân thành phố; khai thác mạnh mẽ năng lực, trí tuệ của các cá nhân trong hoạt động sáng tác, biên tập sách và tiềm lực tài chính, kinh doanh phát hành xuất bản phẩm của các tổ chức theo định hướng văn hóa, tư tưởng và đúng quy định pháp luật đã tạo ra diện mạo sôi động của ngành xuất bản trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với đó là việc chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của nhân dân thông qua việc tổ chức các sự kiện về sách.

Việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc được thành phố duy trì thực hiện, đầu tư trong nhiều năm qua. Nhiều hoạt động định kỳ đã trở thành điểm nhấn văn hóa, thu hút đông đảo người dân như: Lễ hội Đường sách Tết Nguyên Đán (từ năm 2000 đến nay), Hội sách TPHCM, Hội sách Thiếu nhi, Ngày Sách và Văn hóa đọc... thu hút hàng trăm ngàn lượt người/năm. Năm 2023, TPHCM là địa phương đầu tiên công bố Giải thưởng Sách Thiếu nhi TPHCM. Gắn kết nhiều thành viên tiêu biểu trong các lĩnh vực như nhà nghiên cứu, tác giả sách, nhà báo, học sinh/sinh viên, ca sĩ, diễn viên… làm đại sứ văn hóa đọc theo nhiệm kỳ hằng năm, góp phần lan tỏa văn hóa đọc.

Tại chương trình làm việc, các thành viên Đoàn công tác đã lắng nghe những chia sẻ cũng như đề xuất từ các đơn vị xuất bản, phát hành trên địa bàn TPHCM.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Thủy ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 42-CT/TW của Thành ủy TP Hồ Chí Minh gắn với điều kiện thực tiễn của Thành phố, qua đó, giúp cho các nhà xuất bản trên địa bàn Thành phố hoạt động tốt nhất.

Điểm lại những kết quả mà hoạt động xuất bản của TP Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian qua, chỉ ra những mặt còn hạn chế, đồng chí đề nghị trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh cần tập trung quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, giữ vững vai trò tiên phong, trọng điểm trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành khu vực phía Nam.

Thứ hai, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc quy hoạch, sắp xếp, phát triển nhà xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường hơn nữa giao lưu, liên kết xuất bản, hợp tác quốc tế về xuất bản.

Thứ ba, quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên, người làm xuất bản vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; khẩn trương có giải pháp chỉ đạo, quản lý trong việc kiện toàn nhân sự người đứng đầu ở một số nhà xuất bản.

Đồng chí Phan Xuân Thủy cũng đề nghị các cơ quan tham mưu của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của Thành ủy TP Hồ Chí Minh tại cuộc họp, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền triển khai toàn diện trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, từ các ý kiến của đại biểu tại buổi làm việc hôm nay tổng hợp, tham mưu lãnh đạo, trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành văn bản mới thay thế, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.

* Trước đó, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm và làm việc tại Đường sách TPHCM.

Với chiều dài 144m, Đường sách TPHCM đang có 30 gian hàng của 5 nhà xuất bản, 9 công ty sách; 4 gian sách quý - sách xưa; 2 quán cà phê sách; 2 gian hàng quà lưu niệm và các không gian diễn ra hoạt động giao lưu, trải nghiệm dành cho bạn đọc như không gian dành cho nghệ thuật đóng sách và phục chế sách quý; xe bus sách - thư viện mini phục vụ bạn đọc miễn phí; sân chơi thiếu nhi; sân khấu dành để tổ chức hoạt động sự kiện… Tất cả các đơn vị đã góp phần tạo dựng nên diện mạo năng động, sôi nổi, đậm nét văn hóa của thành phố.

Xem Chỉ thị 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nên Đường sách TPHCM và Đường sách TP Thủ Đức đã không ngừng nỗ lực, từ đó thu về những kết quả nhất định, trở thành nơi quy tụ các nhà xuất bản, công ty phát hành sách uy tín và là nơi lưu hành, mua bán sách và vật phẩm văn hóa phục vụ nhu cầu của người dân.

Không những thế, trong suốt thời gian ra đời và hoạt động, Đường sách còn là thước đo yêu cầu thị trường đọc, nâng cao chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm. Từ năm 2016 đến nay, đã có gần 2.000 sự kiện diễn ra tại Đường sách TPHCM.

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Phan Xuân Thủy đánh giá cao mô hình và cách thức hoạt động của Đường sách TPHCM. Theo đồng chí, mô hình này cho thấy sự sáng tạo trong việc lan tỏa văn hóa đọc của TPHCM. Đường sách TPHCM đã kết nối các nhà xuất bản, các công ty sách và các đơn vị phát hành, quán cà phê… để tạo ra không gian văn hóa, nơi không chỉ có sách.

Trong thời gian tới, đồng chí Phan Xuân Thủy mong muốn lãnh đạo và nhân viên Đường sách TPHCM tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá để nhiều người biết hơn nữa, không chỉ về Đường sách mà về những giá trị mà Đường sách mang lại, làm sao để đẩy mạnh các giá trị của Đường sách trên lĩnh vực văn hóa đọc tốt hơn nữa.

Trước đó, Đoàn Công tác cũng đã có chuyến thăm và làm việc với một số đơn vị xuất bản, phát hành trên địa bàn TPHCM như: Công ty CP Phát hành sách TPHCM, NXB Trẻ và NXB Tổng hợp TPHCM.

Bảo Châu

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-trien-khai-thuc-hien-nghiem-tuc-hieu-qua-chi-thi-42-ct-tw-cua-ban-bi-thu-156408