Thành phố Hồ Chí Minh tuần qua có hơn 1.000 học sinh nhiễm Covid-19

Chiều 28/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: LINH BẢO)

Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: LINH BẢO)

Tại cuộc họp, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị-Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, ngành giáo dục Thành phố đang nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm công tác dạy học trực tiếp trên địa bàn cũng như ứng phó linh hoạt với tình hình nhiễm Covid-19 tại các cơ sở giáo dục.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, từ ngày 21/2 đến 25/2, Thành phố có 1.083 học sinh, trẻ em tại các cơ sở giáo dục nhiễm Covid-19. Thực hiện các quy định mới về xử lý F0, F1 cũng như văn bản của Ủy ban nhân dân Thành phố về hướng dẫn kiểm soát dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục, Sở đã triển khai quán triệt đến các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định này.

Theo Công văn số 548/UBND-VX của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc hướng dẫn kiểm soát dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục, đối với khối mầm non, nếu trong lớp có 1 F0 thì cả lớp sẽ nghỉ học trực tiếp; đối với khối tiểu học đến THPT, những trường hợp nào tiếp xúc gần (F1) thì sẽ nghỉ học trực tiếp và chuyển sang học trực tuyến.

“Học sinh nào tiêm đủ vaccine thì nghỉ 5 ngày, chưa tiêm đủ liều vaccine hay chưa tiêm thì nghỉ 7 ngày, sau đó khi xét nghiệm âm tính thì sẽ quay lại trường học trực tiếp”, ông Trịnh Duy Trọng cho biết.

Ngoài ra, nếu trong cùng 1 ngày, lớp học phát hiện từ 2 F0 trở lên thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp. Nếu trong cùng 1 ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ 2 lớp có F0 trở lên thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của trường.

Cũng theo ông Trịnh Duy Trọng, các cơ sở giáo dục hiện đang thích ứng, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định mới, nhất là xử trí các trường hợp F0, F1. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong trường học, ngành giáo dục mong muốn có sự hỗ trợ của y tế cơ sở, sự phối hợp của phụ huynh khi xuất hiện các tình huống F0, F1. Ngành giáo dục và ngành y tế cũng tăng cường phối hợp để kịp thời ghi nhận thực tế, tổ chức thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời có những điều chỉnh phù hợp để công tác phòng, chống dịch đạt kết quả tốt nhất.

Ông Trịnh Duy Trọng cho biết thêm, chất lượng dạy và học trực tiếp trong tình hình F0, F1 gia tăng ở các cơ sở giáo dục chắc chắn bị ảnh hưởng. Ngành giáo dục đang nỗ lực hết mình để bảo đảm chất lượng dạy học. Các trường học hiện đang rất linh hoạt trong việc tổ chức dạy trực tuyến và trực tiếp trong tình hình việc chuyển đổi hình thức dạy học sẽ diễn ra thường xuyên hơn.

Ngành giáo dục Thành phố cũng đang chuẩn bị việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi đến 11 tuổi, dự kiến lấy cơ sở giáo dục làm điểm tiêm cho học sinh và cho trẻ em.

LINH BẢO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/thanh-pho-ho-chi-minh-tuan-qua-co-hon-1-000-hoc-sinh-nhiem-covid-19--687417/