Thành phố Hồ Chí Minh xã hội hóa công tác chống ngập

Dù đã đầu tư nhiều cho công tác chống ngập, nhưng mỗi khi mưa lớn, triều cường, thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn hàng chục điểm ngập nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Hiện thành phố đã chủ trương đẩy mạnh công tác xã hội hóa chống ngập, thu hút các nguồn lực để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh (từ nút giao chân cầu Sài Gòn đến số nhà 125A) thường xuyên bị ngập sâu mỗi khi mưa xuống.

Vẫn còn 22 điểm ngập do mưa

Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, trong vòng một tháng qua, đã có 3 trận mưa lớn, gây ngập diện rộng. Đó là các trận mưa ngày 27-5 có lượng mưa phổ biến 112,3mm; ngày 3-6 là 77,2mm và ngày 4-6 là 70,6mm. Các trận mưa này đã gây ra 22 điểm ngập, sâu từ 0,1m đến 0,3m (giảm nhiều so với 35 điểm ngập trong năm 2019). Dù chỉ 10-40 phút sau mưa, nước rút hết, nhưng các điểm ngập này vẫn gây nhiều bất tiện cho người dân.

Chị Trần Ngọc Hương, trú tại khu dân cư Saigon Pearl trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) cho biết, lâu nay đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh dài hơn 1km từ nút giao cầu Sài Gòn đến giữa phố cứ mưa là ngập nặng. “Thành phố đã nhiều lần cải tạo hệ thống thoát nước, tôn mặt đường, nhưng tình hình ngập ở đoạn đường này vẫn chưa được cải thiện”, chị Hương nói.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết, sau nhiều năm đầu tư nguồn vốn ngân sách không hiệu quả, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh quyết định sẽ thu hút các nguồn lực xã hội để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng này.

“Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét cổ phần hóa các công ty công ích quận, huyện và thực hiện việc duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước theo hướng xã hội hóa, giao các công ty tư nhân thực hiện”, ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, đồng thời nhấn mạnh, để các doanh nghiệp tư nhân tham gia công tác chống ngập, cần phải tính được giá thành chống ngập.

Đầu tháng 6-2020, sau hơn một năm nghiên cứu, tính toán, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) đã phối hợp với Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam (thuộc Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng) ban hành định mức và đơn giá chống ngập là 3.668 đồng/m2/tháng.

Đây là đơn giá để tính giá trị công việc thực hiện, người dân không phải đóng góp khoản tiền này.

Doanh nghiệp quan tâm

Mô hình hồ điều hòa ngầm, được ứng dụng thành công tại Nhật Bản, nhưng chưa thể xây dựng chính thức tại thành phố Hồ Chí Minh do chưa xác định được kinh phí.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân có ý định tham gia công tác chống ngập tại thành phố Hồ Chí Minh đã rất chờ đợi mức giá công bố này.

Ông Lê Trọng Vĩnh, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCTECH - đơn vị đề xuất thành phố Hồ Chí Minh xây dựng 7 hồ điều tiết ngầm theo công nghệ Nhật Bản - cho biết, dù hồ điều tiết ngầm phát huy hiệu quả tại Nhật, Đức… nhưng vẫn chưa thể triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh, vì chưa thể tính đơn giá định mức công trình. Ông Lê Trọng Vĩnh cho rằng: “Nay có mức giá do thành phố công bố, doanh nghiệp và cơ quan chức năng có căn cứ để bàn thảo công việc chi tiết hơn”.

Còn ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) nhận định, giá thành chống ngập có thể sẽ giúp doanh nghiệp và chính quyền thành phố tháo gỡ những vướng mắc lâu nay, mở ra hướng kết hợp trong những dự án tương lai.

Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, Công ty Quang Trung đã lắp đặt siêu máy bơm tự chế tạo, có công suất từ 27.000 đến 96.000m3/giờ, chống ngập cho lưu vực rộng 75ha trên địa bàn phường 22, quận Bình Thạnh, nơi có một phần tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh đi qua.

Qua 31 lần bơm thử nghiệm chống ngập sau những trận mưa lớn, máy bơm chỉ thất bại 2 lần khi bị rác bịt kín cống lấy nước. 29 lần còn lại đã thành công, khi thực hiện được việc giữ cho đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh dài hơn 1km (từ số nhà 125A đến chân cầu Thủ Thiêm) không bị ngập quá 0,2m trong mưa lớn và hết ngập trong vòng 15-20 phút sau mưa lớn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp và Sở Xây dựng đã mất hơn một năm để tính đơn giá định mức công trình, vì không có đơn giá tính toán. Cuối cùng, hai bên phải chốt mức giá thuê máy bơm 14,2 tỷ đồng/năm, dựa trên thống nhất chung, chứ không theo căn cứ cụ thể nào.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhận định, việc xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư trong thực hiện đề án chống ngập là cần thiết và cấp bách.

Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng là không để tái ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi, rộng 550ha đã được giải quyết ở giai đoạn 2016-2020. “Thời gian tới, phải thu hút các nguồn lực, tập trung giải quyết chống ngập một cách bền vững cho lưu vực trung tâm thành phố, rộng 106,41km2”, ông Võ Văn Hoan yêu cầu.

An Tôn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/969883/thanh-pho-ho-chi-minh-xa-hoi-hoa-cong-tac-chong-ngap