Thành phố hội nhập và phát triển: Phát triển trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế
Với định hướng bứt phá về tăng trưởng, nâng cao vị thế, vai trò của TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước và của cả khu vực Đông Nam Á, TP Hồ Chí Minh đã quy hoạch phát triển, triển khai nhiều giải pháp xây dựng thành phố trở thành trung tâm logistics.
Thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển logistics trở thành một ngành có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế TP Hồ Chí Minh trên cơ sở tận dụng tối đa các cơ hội đón đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng xanh, hiện đại; từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển mạng lưới kết nối; phấn đấu đưa TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045 phát triển logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao của TP Hồ Chí Minh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Phấn đấu đến năm 2045, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP trên 12%; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh từ 10% đến 12%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics trên 70%; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia khoảng 10%-12%, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ hạng 30 trở lên.

Ảnh minh họa / TTXVN
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt "Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", triển khai quy hoạch, phát triển 8 trung tâm logistics, bao gồm: Trung tâm logistics Cát Lái (TP Thủ Đức); Trung tâm logistics Linh Trung (TP Thủ Đức); Trung tâm logistics Long Bình (TP Thủ Đức); Trung tâm logistics Tân Kiên (huyện Bình Chánh); Trung tâm logistics Hiệp Phước (huyện Nhà Bè); Trung tâm logistics Củ Chi (huyện Củ Chi); Cảng Cạn-Trung.
Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố đã phục hồi, tăng trưởng trở lại, năm 2024 đạt 46,97 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2023 (cùng kỳ giảm 8,64%). Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tham mưu đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ. Thành phố đang quyết tâm xây dựng, khởi công một trung tâm logistics tại TP Hồ Chí Minh và đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025).
Theo các chuyên gia kinh tế, để xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm logistics đòi hỏi cần gắn liền với phát triển trung tâm dịch vụ, sản xuất quy mô tầm cỡ khu vực gắn với các ngành sản xuất mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu...
Do đó, thành phố cần quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đột phá, nhất là đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, xúc tiến thương mại quốc tế, thu hút đầu tư FDI, phát triển trung tâm triển lãm quốc tế... Trên cơ sở đó, thành phố phát triển hạ tầng logistics quy mô, gắn với quản trị, dịch vụ cung ứng tiêu chuẩn quốc tế, đi kèm với khai thác hiệu quả, đưa logistics trở thành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp lớn cho tăng trưởng, nâng cao vị thế, vai trò kinh tế của thành phố đối với tăng trưởng của cả nước và khu vực.