Thành phố hội nhập và phát triển: Số hóa kênh phân phối, bán lẻ

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các kênh phân phối, bán lẻ ở thị trường khoảng 10 triệu người, TP Hồ Chí Minh đang ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, coi đây là cú hích tăng trưởng, kích cầu, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 560.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp nối đà tăng trưởng, trong tháng 7-2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh đạt gần 103.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023. Theo ông Phạm Hồng Sơn, chuyên gia về thương mại điện tử và chuyển đổi số hệ thống phân phối, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu từ thương mại điện tử lên đến 30%. Ngành bán lẻ được xem là có mức tăng trưởng mạnh. Số hóa kênh phân phối, bán lẻ sẽ giúp cho TP Hồ Chí Minh tăng trưởng mạnh nhờ có nhiều lợi thế: Thành phố có tỷ lệ ứng dụng công nghệ lớn; người dân có thói quen tiếp nhận và sử dụng công nghệ trong mua bán hàng hóa; tập trung nhiều đầu mối sản xuất, nhập khẩu hàng hóa quy mô lớn, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu. Bên cạnh đẩy mạnh các chương trình bình ổn giá, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh các giải pháp nhằm tăng sức mua. Điều này giúp cho việc số hóa, đưa dữ liệu hàng hóa, các chương trình khuyến mại, bình ổn giá tiếp cận nhanh, trực tiếp tới khách hàng, giúp khách hàng có quyền lựa chọn, tham khảo, đánh giá khi mua hàng, bảo đảm tiện lợi và chi phí hợp lý nhất.

 Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh mua sắm hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: TTXVN

Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh mua sắm hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: TTXVN

TP Hồ Chí Minh đang là địa phương dẫn đầu trong số hóa các kênh phân phối, bán lẻ, cùng với các chính sách kích cầu tiêu dùng đã tác động tích cực, vượt trội, kết nối các kênh bán lẻ với người tiêu dùng, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, giúp bình ổn thị trường hàng hóa. Thương mại điện tử đạt doanh số mua hàng hơn 6,2 tỷ USD vào năm 2023, chiếm 29% quy mô cả nước. Kết quả đó là nhờ các đơn vị sản xuất, kinh doanh đặt mục tiêu số hóa, tạo kênh trực tuyến, liên kết giữa nhà bán lẻ, phân phối với khách hàng. Việc xây dựng dữ liệu thông tin khách hàng, xây dựng kênh thông tin số với khách hàng cũng giúp chuyển tải thông tin, sản phẩm, chương trình khuyến mại, đồng thời nắm bắt nhu cầu, phản ánh của khách hàng để nâng cao hiệu quả chăm sóc khách hàng.

Thương mại điện tử là xu thế tất yếu, dư địa phát triển được đánh giá còn rất lớn trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ tăng cường các kênh bán hàng trên nền tảng internet, hỗ trợ vốn kích cầu đầu tư về nhân lực, công nghệ... Về phía các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bán lẻ, phân phối ở TP Hồ Chí Minh, cần có sự chủ động trong đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng các kênh trực tuyến phù hợp quy mô, mục tiêu phát triển, tạo ra mô hình kinh doanh hiệu quả, tối ưu hóa lợi nhuận, hướng đến từng phân khúc khách hàng, thị trường mới. Mặt khác, xây dựng uy tín thương hiệu trên nền tảng số, trực tuyến, phủ rộng đến nhiều thị trường khu vực, quốc tế sẽ giúp tạo kênh phân phối, bán lẻ, mở rộng thị trường, khẳng định các thương hiệu bán lẻ, phân phối quy mô lớn mang tầm quốc tế, đưa các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của TP Hồ Chí Minh và Việt Nam vươn xa.

BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thanh-pho-hoi-nhap-va-phat-trien-so-hoa-kenh-phan-phoi-ban-le-791032