Làn sóng M&A mới: Những thương vụ bạc tỷ đang làm nóng thị trường
Những tập đoàn lớn trong và ngoài nước đang tận dụng cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng sức mạnh cạnh tranh thông qua các thương vụ M&A. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng bứt phá, làn sóng M&A cũng đối mặt với không ít thách thức về định giá, pháp lý và sự hòa hợp văn hóa doanh nghiệp...
Thị trường M&A (mua bán và sáp nhập) tại Việt Nam đang chứng kiến sự sôi động chưa từng có trong những năm gần đây. Hoạt động này không chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp tăng trưởng, mà còn là chiến lược quan trọng để mở rộng thị trường, tối ưu hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, cùng với những cơ hội lớn, các thương vụ M&A cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức cần phải lưu ý.
NHỮNG CÚ BẮT TAY TIỀN TỶ
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, làn sóng M&A đã nổi lên như một xu hướng tất yếu. Từ đầu năm 2024 đến nay, số lượng các thương vụ M&A gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, tài chính, bất động sản và hàng tiêu dùng.
Đầu tháng 9/2024, Hội đồng Quản trị Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã chứng khoán: SAB) chính thức ra nghị quyết về việc chào mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco Group - mã chứng khoán: SBB). Số cổ phiếu này chiếm 43,2% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của Sabibeco Group, và thương vụ này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng thị phần của Sabeco.
Hiện tại, Sabeco đã là cổ đông lớn nhất của Sabibeco Group, nắm giữ 22,7% cổ phần với hơn 19,8 triệu cổ phiếu SBB. Để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức cao hơn, Sabeco dự kiến chi khoảng 832 tỷ đồng, tương đương mức giá chào mua 22.000 đồng/cổ phiếu. Sabeco cũng khẳng định sẽ linh hoạt trong việc điều chỉnh giá chào mua nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông và phù hợp với diễn biến thị trường.
Mục tiêu của thương vụ này là nâng cao quyền kiểm soát và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của Sabeco. Dự kiến, quá trình chào mua sẽ diễn ra trong năm 2024, với thời gian hoàn tất từ 30 đến 60 ngày giao dịch kể từ khi bắt đầu nhận đăng ký bán.
Sabibeco Group, tiền thân là Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Bình Tây, thành lập vào năm 2005 và hiện là đối tác gia công lớn nhất của Sabeco. Với 5 nhà máy thành viên và tổng công suất lên tới 510 triệu lít bia/năm, Sabibeco mang đến cho khách hàng nhiều dòng bia nổi tiếng như Saigon Lager, Saigon Special và Saigon 333 Export...
Theo các chuyên gia, nếu thương vụ M&A này thành công, tổng công suất của Sabeco sẽ tăng thêm 25,4%, đạt 3,01 tỷ lít bia/năm ngay trong năm 2024, giúp Sabeco trở thành nhà sản xuất bia có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Về tiềm năng thị trường, Công ty Chứng khoán Tiên Phong nhận định ngành sản xuất bia còn rất nhiều cơ hội phát triển. Trong năm 2023, Việt Nam tiêu thụ tới 5,34 tỷ lít bia, tăng 10,4% so với năm trước, và dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2024-2033.
Thương vụ M&A của Sabeco là một bước đi chiến lược, không chỉ gia tăng quy mô mà còn củng cố vị thế của Sabeco trong ngành đồ uống có cồn đầy cạnh tranh.
Trước đó vào tháng 8 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) đã thực hiện ba đợt mua cổ phiếu với khối lượng lớn tại Công ty cổ phần Hùng Vương (Hùng Vương Plaza). Cụ thể, vào ngày 9/8, Kido mua vào 9,5 triệu cổ phiếu; ngày 22/8, mua thêm 4,5 triệu cổ phiếu; và ngày 27/8, tiếp tục mua 4,19 triệu cổ phiếu. Những giao dịch này đã nâng tỷ lệ sở hữu của Kido tại Hùng Vương Plaza từ 17,35% lên 75,39%.
Hùng Vương Plaza là đơn vị quản lý Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza, nằm tại số 126 Hồng Bàng, Quận 5, TP.HCM, với vị trí đắc địa gồm 4 mặt tiền và tổng diện tích sàn thương mại gần 45.000 m2. Khu phức hợp này có 7 tầng nổi và bãi giữ xe tại tầng hầm và ngoài trời. Mục tiêu của Kido là tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 77% cổ phần tại Hùng Vương Plaza.
Tương tự, Công ty Chứng khoán VIX đã chính thức trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 sau khi chi hơn 309 tỷ đồng để mua hơn 10,8 triệu cổ phiếu PC1, nâng tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên 17,3 triệu, tương đương 5,56% tỷ lệ sở hữu.
Trong quý 2/2024, PC1 ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 62,2 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm lên 142,8 tỷ đồng – một con số tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đã giúp PC1 hoàn thành 38,8% kế hoạch lợi nhuận năm 2024, tương ứng 525 tỷ đồng, gấp 3,75 lần so với năm 2023 và gần bằng mức trung bình của giai đoạn 2020 - 2022.
Trước đó, vào ngày 1/7/2024, ngân hàng Eximbank (mã chứng khoán: EIB) đã công bố Chứng khoán VIX là cổ đông lớn thứ hai của nhà băng này khi nắm giữ 62,3 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 3,58% vốn điều lệ.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2024, tính đến ngày 30/6/2024, Chứng khoán VIX đã đầu tư 1.178,98 tỷ đồng vào Eximbank, 804,6 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán: GEX), 469,4 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Container Việt Nam (mã chứng khoán: VSC), và 425 tỷ đồng vào Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (mã chứng khoán: EVF), cùng nhiều khoản đầu tư khác.
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Theo giới phân tích, làn sóng M&A hiện nay đang được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố quan trọng. Đáng chú ý nhất là sức hút mạnh mẽ từ các ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ. Với dân số trẻ và mức sống ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam đang không ngừng tăng trưởng, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Chính vì vậy, các doanh nghiệp lớn như Kido, Masan, hay Sabeco đã nhanh chóng tận dụng cơ hội, đẩy mạnh mở rộng thị trường thông qua các chiến lược M&A, nhằm chiếm lĩnh thị phần và gia tăng sức cạnh tranh.
Trong năm 2024, các giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp, tiếp tục dẫn đầu về giá trị. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành này đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Và một yếu tố vô cùng quan trọng khác là chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Những cải cách về pháp lý, đặc biệt là các quy định thuận lợi trong Luật Đầu tư, đã giúp giảm bớt các rào cản đối với các giao dịch M&A, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực tham gia thị trường.
Đối với các doanh nghiệp trong nước, M&A là cách nhanh nhất để tăng cường quy mô và mở rộng thị trường. Đặc biệt, với các doanh nghiệp nhỏ, đây là cơ hội để tăng tốc phát triển, tiếp cận công nghệ mới và nguồn lực tài chính từ các tập đoàn lớn.
Các thương vụ M&A cũng giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế. Các tập đoàn lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu đang coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các thương vụ đầu tư dài hạn.
Trong báo cáo mới cập nhật của Kirin Capital, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được kỳ vọng tiếp tục là “điểm nóng” M&A. Sự đa dạng về cấu trúc giao dịch và số lượng cơ hội đầu tư đáng kể sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của các hoạt động M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
“Thị trường M&A Việt Nam đã sẵn sàng tăng trưởng vào năm 2024. Điều này được hỗ trợ bởi nhiều bước tiến kinh tế và cải cách nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài, với giao dịch gia tăng trong các lĩnh vực chính như năng lượng xanh, công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe. Sự chú ý của giới đầu tư trong năm tới sẽ tiếp tục đổ dồn về những ngành sôi động trong năm qua như ngành y tế đến từ việc thay đổi cấu trúc dân số trong trung và dài hạn, ngành chứng khoán với triển vọng từ nâng hạng thị trường và không thể không kể đến ngành ngân hàng khi đây luôn được xem như là ngành huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam”, Kirin Capital nhận định.
Mặc dù hoạt động M&A đang nhộn nhịp trở lại, song Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, khiến cho thị trường này chưa thực sự “bung lụa”. Một trong những rào cản lớn nhất là khó khăn trong việc định giá chính xác doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty tư nhân. Điều này có thể dẫn đến các xung đột lợi ích giữa bên mua và bên bán, kéo dài quá trình đàm phán.
Bên cạnh cơ hội mở rộng, các thương vụ M&A tại Việt Nam cũng đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn. Đặc biệt, các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, thuế và các quy định pháp lý liên quan đến M&A vẫn là rào cản lớn cần phải vượt qua.
Ngoài ra, khi các doanh nghiệp trong nước bị mua lại bởi các công ty nước ngoài, sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp thường là thách thức lớn. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong quản lý để có thể dung hòa và phát huy tốt nhất tiềm lực của cả hai bên.
Làn sóng M&A tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các bên tham gia cần phải cẩn trọng trong việc đánh giá và quản lý rủi ro để tối ưu hóa giá trị từ các thương vụ này. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, hoạt động M&A tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới.