Thành phố Huế đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 'Lễ hội điện Huệ Nam'
Lễ hội điện Huệ Nam mang sắc thái đặc sắc của các Thánh môn đệ tử thờ Mẫu ở Việt Nam, trở thành sản phẩm văn hóa tiêu biểu cho vùng đất Huế.

Các đại biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thành Huế.
Ngày 30-3, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội điện Huệ Nam".
Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế Phan Thanh Hải đã tóm tắt những nét khái quát, đặc biệt của lễ hội Điện Huệ Nam.
Theo đó, Lễ hội điện Huệ Nam đã trải qua quá trình hình thành, phát triển lâu dài. Giai đoạn đầu chỉ diễn ra trong phạm vi điện Huệ Nam, rồi sau có sự tham gia của dân làng Hải Cát (phường Long Hồ, thành phố Huế) và dần dần phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

Lễ rước tái hiện màn rước trong lễ hội truyền thống điện Huệ Nam sáng 30-3. Ảnh: Thành Huế.
Ngày nay, lễ hội truyền thống điện Huệ Nam mang sắc thái của các Thánh môn đệ tử thờ Mẫu ở Việt Nam; trở thành sản phẩm văn hóa tiêu biểu cho vùng đất Huế. Tuy trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, lễ hội điện Huệ Nam vẫn diễn ra đều đặn một năm hai lần, vào tháng Ba và tháng Bảy âm lịch.
Các nghi lễ quan trọng trong lễ hội là lễ cung nghinh Thánh Mẫu và chư vị tại Thánh đường 352 Chi Lăng thông qua nghi lễ rước bằng đường bộ, đường thủy; lễ Cáo yết; lễ Chánh tế tại điện Huệ Nam và đình làng Hải Cát; sinh hoạt tín ngưỡng, thực hiện nghi lễ hầu đồng trên các bằng án.

Màn cung nghinh được tổ chức sáng 30-3. Ảnh: Thành Huế.
Lễ hội điện Huệ Nam là một hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, biểu thị đức tin của con người trong không gian tâm linh, bày tỏ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng ngưỡng vọng với thần linh bằng các hoạt động đáp tạ cụ thể.
Ngày 10-12-2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3981/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống “Lễ hội điện Huệ Nam” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là di sản chung của cộng đồng, do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo vệ, phát huy giá trị bền vững. Sau khi nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể, thành phố Huế sẽ ban hành các đề án, kế hoạch về bảo vệ và phát huy giá trị di sản này trong bối cảnh xã hội đương đại.

Đoàn cung nghinh diễu hành trên đường phố Huế sáng 30-3. Ảnh: Thành Huế.
Sau buổi lễ đón nhận, các đoàn cung nghinh, người dân và du khách thập phương đã lên thuyền di chuyển từ Nghinh Lương Đình về điện Huệ Nam, chính thức khai hội tháng Ba. Trong hôm nay và ngày mai, tại điện Huệ Nam sẽ diễn ra các nghi lễ như lễ chánh tế, cầu nguyện quốc thái dân an; lễ hành hương; cung nghinh Thánh Mẫu và Hội đồng Tứ Phủ lên đình làng Hải Cát...