Thành phố Huế sẽ nỗ lực nâng chuẩn đô thị gắn với phát huy các giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: Thành phố Huế sẽ tiếp tục nỗ lực đầu tư, nâng chuẩn đô thị đi đôi với bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch, công nghiệp sạch, công nghiệp văn hóa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thành phố xứng tầm là một thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với 458/461 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,62% tổng số ĐBQH.

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Ngoài ra, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương còn tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, kết luận quan trọng khác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Đây cũng sẽ là động lực để Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt, có phương hướng và kế hoạch đầu tư, phát triển cụ thể nhằm tăng cường chất lượng đô thị, phát triển nhanh, mạnh và bền vững kinh tế đô thị. Từ đó từng bước nâng cao thu nhập bình quân đầu người và các chỉ tiêu phát triển khác trên địa bàn thành phố Huế.

Để hiểu rõ hơn khi về nhiệm vụ tiếp theo sau khi thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội có cuộc phỏng vấn đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phóng viên: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đại biểu có thể cho biết rõ hơn sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đến địa phương?

Đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài từ những năm 1996 của Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, đặc biệt là Nghị quyết 54 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 30/11/2024, các vị đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, có ý nghĩa lịch sử; là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khi trở thành thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương của cả nước.

Nghị quyết của Quốc hội là cơ sở, định hướng để thành phố Huế xây dựng và phát triển của một thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam trong thời gian tới, tạo động lực để thành phố Huế tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân của địa phương trong thời kỳ mới.

Phóng viên: Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế sẽ ưu tiên thực hiện những việc làm nào tiếp theo, thưa đại biểu?

Đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Hiện nay, cử tri quan tâm tới việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Về nội dung này, trong ngày 30/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1314/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023-2025. Theo đó, thành phố Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 3 thị xã và 2 quận; 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 48 phường, 78 xã và 7 thị trấn. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thành phố Huế sẽ tập trung sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.

Thành phố Huế sẽ tiếp tục nỗ lực đầu tư, nâng chuẩn đô thị đi đôi với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội (ảnh minh họa)

Thành phố Huế sẽ tiếp tục nỗ lực đầu tư, nâng chuẩn đô thị đi đôi với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội (ảnh minh họa)

Phóng viên: Khi trực thuộc Trung ương, thành phố Huế sẽ có nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng cũng sẽ gắn với trách nhiệm và đối diện với những khó khăn, thách thức. Vậy Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Huế sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào để vừa phát huy những thế mạnh của mình và cân đối với phát triển kinh tế-xã hội?

Đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Với vị thế mới của một thành phố trực thuộc Trung ương, chúng tôi cũng xác định rằng, đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm với trọng trách lớn hơn trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố Huế trong thời gian tới. Thành phố Huế đã định hướng phát triển với mô hình đô thị lựa chọn là đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh, không phát triển dân cư, nhà cửa, mật độ cao, đô thị nén, giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn và phát triển sẽ tạo điều kiện cho Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy tốt hơn nữa vai trò của trung tâm y tế, văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ của vùng và cả nước.

Thành phố Huế sẽ tiếp tục nỗ lực đầu tư, nâng chuẩn đô thị đi đôi với bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch, công nghiệp sạch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thành phố Huế xứng tầm là một thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=91571