Làng An Bằng thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế là một địa danh được nhiều người biết đến với cái tên “thành phố lăng mộ” hoặc “thành phố ma”.
Nơi đây được coi là nghĩa địa xa hoa nhất Việt Nam với hàng nghìn ngôi lăng mộ đủ màu sắc và kích thước. Có những khu mộ ước tính giá trị lên tới hàng tỷ đồng.
Có nhiều ngôi diện tích rộng tới cả nghìn m2.
Những cồn cát ven biển được bịt kín bằng lăng mộ, thậm chí lấn át nhà dân ngay gần đó. Nhiều người cho rằng ranh giới giữa người sống và người đã tạ thế trông như thể rất gần nhau.
Kiến trúc lăng mộ làng An Bằng hội tụ đủ các yếu tố của Phật giáo, Thiên chúa giáo, Đạo giáo và thậm chí cả Hồi giáo.
Tại nghĩa địa này, có những lăng tiền tỷ vừa xây dựng đã bị đập đi xây lại chỉ vì "không to đẹp bằng người ta". Cái sau phải xây đẹp hơn, đắt tiền hơn cái trước là quan niệm của nhiều người.
Hầu hết lăng mộ ở đây đều lấy nguyên mẫu thiết kế chung từ lăng vua Khải Định, sau đó biến hóa thêm bớt tùy thuộc vào sở thích của người yêu cầu.
Nhiều lăng được xây dựng những chiếc cột trụ lớn, tháp được điêu khắc, chạm trổ tinh vi. Để có vật liệu trang trí, gia chủ phải mua từng loại bình, chén, bát bằng gốm còn nguyên rồi về đập vỡ gắn lên mộ.
Nhiều ngôi mộ thường thắp điện sáng cả đêm, thậm chí còn có cả hồ bán nguyệt, tiểu cảnh, nhà vệ sinh và phòng ngủ cho người canh mộ.
Các lăng mộ được thiết kế như mộ vua chúa, cũng tam quan với mái ngói lưu ly, câu đối, bia đá, trụ biểu, la thành... tất cả đều được trang hoàng rực rỡ từ bàn tay người thợ khảm sành sứ giỏi.
Hiện, làng An Bằng có hơn 10.000 lăng mộ, mỗi ngôi có chi phí trung bình từ 800 triệu đến 2 tỷ đồng, thậm chí 4 tỷ đồng cũng có.
Chi phí xây dựng các ngôi mộ ở đây thường bằng tiền do con cháu của gia đình họ ở nước ngoài gửi về.
Theo người dân địa phương, những năm 90 của thế kỷ trước, người An Bằng định cư nước ngoài ăn nên làm ra và gửi tiền về để xây lăng mộ báo hiếu.
Do địa phương chưa có quy hoạch cụ thể nên mạnh ai nấy làm, từng nhà, từng dòng tộc đua nhau giành đất và làm nên nghĩa trang này.
Nguyễn Phong